Rất khó tránh nếu thiên thạch rơi ở Việt Nam!
Theo TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam hiện chưa có khả năng và phương tiện quan sát hiện tượng thiên thạch rơi. Nếu một thiên thạch như ở Nga rơi xuống thì đành bó tay.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2153/Mua-sao-bang-khien-1200-nguoi-bi-thuong-tai-ga.htm'><b> >> Mưa sao băng khiến 1200 người bị thương tại Nga</b></a>
PV: Vụ thiên thạch rơi ở Nga làm hàng ngàn người bị thương và đang gây chấn động thế giới. Vậy đặt tình huống nếu có thiên thạch rơi xuống lãnh thổ nước ta thì chúng ta có thể phát hiện, cảnh báo trước được không?
TS Lê Huy Minh: Ở Việt Nam chưa có cơ quan nào có khả năng cũng như phương tiện để quan sát được hiện tượng thiên thạch rơi. Việc quan sát này đòi hỏi những kính thiên văn rất lớn.
Người ta thống kê trong khoảng 300-400 năm trở lại đây, có khoảng 20 thiên thạch trọng lượng vài tấn tới vài chục tấn rơi xuống trái đất ở các vị trí khác nhau. Bề mặt trái đất rất rộng nên xác suất thiên thạch rơi ở một vị trí xác định nào đó là rất nhỏ. Do đó, thiên thạch rơi ở chỗ nào thì mình cũng phải chịu thôi chứ không có cách nào phòng tránh cả.
TS Lê Huy Minh
Trong lịch sử, Việt Nam từng ghi nhận một vụ rơi thiên thạch nào gây thiệt hại chưa?
Có những biểu hiện cho thấy Việt Nam từng bị thiên thạch rơi xuống khi người ta tìm thấy những mẫu đá tên là đá tectic ở Lâm Đồng, Tây Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng… Tectic hình thành khi thiên thạch rơi xuống trái đất. Thường tectic không phải là những mảnh vụn thiên thạch mà là những mảnh nham thạch có nguồn gốc từ trái đất bị nóng chảy do sự va đập của thiên thạch. Tuy nhiên, thiên thạch rơi vào Việt Nam tại thời điểm nào, tác động, thiệt hại ra sao thì các nhà khoa học chưa tìm ra câu trả lời.
Nếu chưa có đủ phương tiện, Việt Nam có liên kết với cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga để cảnh báo sớm không, thưa ông?
Thực ra, tại Việt Nam chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm chính thức để chuyên theo dõi về thiên thạch cũng như tác động của nó. Các cơ quan hàng không vũ trụ của Nga và Mỹ vẫn liên tục thông tin cho các nước khi họ có thông tin. Giả sử nếu họ tính toán được quỹ đạo tương đối chính xác của vật thể thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì họ sẽ thông báo cho các nhà khoa học nước ta.
Nếu có cảnh báo về việc thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có giải pháp gì để phòng tránh?
Hiện nay, việc phòng tránh rất khó và chưa có cách nào khả thi để ngăn chặn. Ngay cả ở Nga, có đầy đủ các phương tiện hiện đại, có lịch sử nghiên cứu khá lâu song vẫn bị thiệt hại nặng nề khi có thiên thạch rớt xuống. Có thể trong tương lai, nếu khoa học tiến bộ hơn, quan sát vũ trụ được tốt hơn thì sẽ dự đoán chính xác hơn còn hiện tại thì phải chấp nhận.
Người dân không nên quá lo lắng
Ông Nguyễn Đức Phường, Tổng Thư ký Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam, cho biết hầu hết những vụ thiên thạch rơi đều xảy ra ở những vùng ít dân cư như sa mạc hay đại dương. Hơn nữa, hàng trăm năm mới xảy ra một vụ như vậy. Vụ thiên thạch ở Nga là một lần hiếm hoi một thiên thạch rơi vào khu vực đông dân cư được ghi nhận. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng.
Hiện nay, trên thế giới đã có mạng lưới kính thiên văn nhưng số lượng chưa đủ nhiều để con người có thể quan sát toàn bộ bầu trời. Ngoài ra, con người còn phải chú trọng làm những loại kính thiên văn đủ lớn để có thể quan sát được những thiên thể có kích thước nhỏ (nhỏ hơn 10 m) như thiên thạch rơi xuống miền Trung nước Nga vừa qua.
TS Lê Huy Minh: “Hiện chỉ có cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga mới quan sát, nghiên cứu được các vật thể bay quanh trái đất. Nhưng vụ rơi thiên thạch ở Nga hôm 15-2 không có cơ quan nào quan sát được từ trước”.
|
Theo Nguyễn Quyết
Người lao động