Rất khó khống chế dịch bệnh lợn tai xanh!
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trong cuộc trao đổi với báo chí sáng qua, 28/7.
Thưa ông, làm sao để ngăn ngừa dịch bệnh ngay từ đầu?
Đó là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở đã nhiều năm nay, khi dịch bệnh trên gia súc lây lan và xuất hiện nhiều ở nước ta. Nguyên nhân cơ bản là ở khâu chăn nuôi, do hệ thống chăn nuôi của ta vẫn lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Hơn 60% đàn gia cầm được nuôi ở gần 8 triệu hộ gia đình nông dân. Tương tự như vậy, lợn cũng chăn nuôi rất nhiều ở các hộ gia đình nhỏ lẻ.
Bộ có nhìn thấy trước nguy cơ dịch bệnh ở những gia súc khác, ngoài lợn?
Trong điều kiện hệ thống chăn nuôi còn lạc hậu, thú y còn hạn chế, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Rõ ràng một mặt về phía Nhà nước phải hoạt động quyết liệt hơn để hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi, tăng cường công tác thú y cũng như sự hiểu biết về phòng chống dịch bệnh.
Mặt khác cũng cần sự hợp tác của bà con nông dân, để phát triển chăn nuôi một cách an toàn trong điều kiện hiện nay và thực hiện những hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Có thông tin một số nơi lấy thịt lợn bệnh chết bán. Có nên áp dụng kiểm nghiệm như với cúm da cầm là đóng dấu kiểm dịch thịt lợn không?
Chúng tôi đang thực hiện điều này. Những nơi không có dịch thì các nhân viên thú y vẫn kiểm soát và đóng dấu trên những con lợn được giết mổ và những con đó là sạch.
Liệu dịch bệnh có lan ra ở miền Bắc?
Dịch bệnh đã có ở miền Bắc từ đầu năm, nhưng cán bộ thú y đã phát hiện sớm, quyết liệt ngay từ đầu nên đã khống chế được trong một thời gian ngắn.
Với tư cách người đứng đầu, Bộ trưởng có thể cam kết bao giờ, thời điểm nào có thể chấm dứt dịch bệnh?
Tất nhiên chúng tôi làm hết sức mình, còn cam kết thì rất là khó. Điều đó không phụ thuộc vào ý chí của 1 cá nhân mà là hoạt động của cả 1 hệ thống và diễn biến của dịch bệnh thì còn phụ thuộc vào những nguyên nhân khách quan chứ không chỉ cơ quan chủ quản.
Hôm qua, chúng tôi đề xuất với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng mức đền bù trên toàn quốc 10.000đ/ kg cân hơi thịt lợn. Nhưng trên thực tế, chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh theo thẩm quyền cũng có thể tự quyết được.
Mức này không bằng đền bù cúm gia cầm, thưa Bộ trưởng?
Đúng là thấp hơn so với gia cầm (gia cầm là 15.000đ đến 18.000đ). Mức này các đồng chí ở Quảng Nam có tham khảo bà con nông dân, bà con thấy chấp nhận được. Trong số các thành phố lớn, có huyện Hoà Vang ở Đà Nẵng cũng đã tiêu hủy và đền bù theo mức đó. Các đồng chí báo cáo là bà con chấp nhận được.
Theo Bộ trưởng, ước tính thiệt hại do dịch lợn tai xanh gây ra khoảng bao nhiêu?
Tổng số đàn lợn bị nhiễm bệnh trên địa bàn miền Trung vào khoảng 30.000 con, số phải tiêu hủy ước tính có thể lên đến vài nghìn con. Tuy nhiên, việc đền bù mới chỉ hỗ trợ được một phần đối với bà con nông dân. Thiệt hại lớn là không chỉ gia súc bị chết, chậm lớn mà còn giảm giá. Hiện chúng tôi chưa có con số cụ thể, nhưng có thể lên đến hàng chục tỷ.
Hạnh - Cường (ghi)