1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Rất ít trẻ được khám chữa bệnh miễn phí

Ngày 14/6, Sở Y tế TPHCM đã sơ kết việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi sau 12 ngày thực hiện. Nhiều vướng mắc từ các thủ tục, các quy định khiến cho trẻ dưới 6 tuổi chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Bác sĩ Trần Văn Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 - TPHCM, cho biết sau 12 ngày thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi, tại BV Nhi Đồng 2 trong tổng số 25.525 trẻ dưới 6 tuổi đến khám nhưng chỉ có 449 trẻ đủ điều kiện (đúng tuyến, cấp cứu) được điều trị miễn phí.

Tại BV Nhi Đồng 1, số bệnh nhân dưới 6 tuổi, đến khám cao hơn BV Nhi Đồng 2, nhưng sau 12 ngày thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi cũng chỉ có 110 trẻ đủ điều kiện được điều trị miễn phí.

Các quận, huyện trong TP cho biết từ khi thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, số bệnh nhi đến khám tại các quận, huyện không tăng so với trước đây mà vẫn dao động trong khoảng 20 - 30 trẻ/ngày.

Những con số này đã được các BV, trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện báo cáo trong buổi làm việc của Sở Y tế TPHCM với các đơn vị liên quan về việc khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thủ tục quá rườm rà

Rất nhiều bác sĩ lo lắng khi chính sách khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi là chủ trương lớn của Nhà nước dành cho trẻ em thế nhưng cứ như đà này thì rất ít trẻ em tại TP được hưởng. Các BV đều công nhận nhân dân TP chưa hào hứng với chính sách này vì thủ tục hành chính quá rườm rà.

Hơn nữa, đa số các bậc phụ huynh có tâm lý chỉ yên tâm khi đưa trẻ đến các BV lớn điều trị. Các bác sĩ đã chứng kiến rất nhiều phụ huynh sau khi đọc điều kiện để được khám chữa bệnh miễn phí (có giấy khai sinh, hộ khẩu, KT3 TP, đúng tuyến...), họ đã lắc đầu vì thà đóng tiền khám bệnh còn hơn thực hiện những thủ tục rườm rà đó.

Vẫn lúng túng sau gần 2 tuần thực hiện

Mặc dù đã gần 2 tuần thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng nhiều BV, TTYT quận, huyện vẫn lúng túng trong quá trình thực hiện. Đến nay, họ vẫn không rõ các cháu dưới 6 tuổi điều trị ở khoa dịch vụ thì BV có được thu phí hoàn toàn? Trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế công lập mà sang BV tư xét nghiệm thì có được thanh toán không?

Hoặc trẻ đang điều trị tại BV tư mà BV tư quá khả năng điều trị phải chuyển sang các cơ sở y tế công lập thì lúc đó có thu tiền bệnh nhân không? Trẻ ngụ ở quận này nhưng sang quận kế bên khám cho gần thì có được điều trị miễn phí?

Trước một vài ý kiến cho rằng nếu Sở Y tế xóa bỏ quy định vượt tuyến thì sẽ có nhiều trẻ được khám chữa bệnh miễn phí hơn, bác sĩ Tăng Chí Thượng khẳng định BV Nhi Đồng 1 sẽ không thể gồng gánh nổi.

Hiện đang thực hiện phân tuyến mà BV Nhi Đồng 1 vẫn trong tình trạng quá tải đáng báo động. Ngày cao điểm nhất đã có hơn 4.600 trẻ đến khám, trung bình một buổi sáng một bác sĩ phải khám cho 120 bệnh nhân. Các giường bệnh ở khoa sơ sinh, hô hấp... đều phải ghép bệnh nhân.

Tại BV Nhi Đồng 2, số trẻ đến khám cũng tăng kỷ lục với hơn 3.800 bệnh nhân/ngày. Tại khoa sơ sinh, có giường bệnh phải chứa đến 4 bệnh nhân.

Sẽ linh động giải quyết

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP, khẳng định chúng ta không thể xóa bỏ phân tuyến vì phân tuyến là cơ hội để các tuyến dưới nâng cao chất lượng điều trị và thu hút bệnh nhân. Bác sĩ Dũng cũng đề nghị các quận, huyện giải quyết linh động từng trường hợp cụ thể để có nhiều trẻ em được hưởng chính sách này, đồng thời giải đáp các thắc mắc.

Cụ thể, trẻ từ quận này sang khám tại quận khác trong TP đều được điều trị miễn phí. Với những trẻ cần khám dịch vụ thì BV được quyền thu tiền theo giá dịch vụ. Trẻ ở BV tư sang BV công làm các xét nghiệm thì BV công có quyền thu tiền nhưng nếu trẻ được chuyển sang BV công điều trị vì quá khả năng của BV tư hoặc gia đình đã hết tiền điều trị tại BV tư thì bệnh nhân sẽ được điều trị miễn phí.

Mặc dù sở quy định trẻ ở tỉnh đến TP khám bệnh sẽ phải đóng tiền nhưng nếu gia đình bệnh nhân nghèo quá thì BV cũng nên miễn phí. Để thu hút trẻ dưới 6 tuổi đến khám tại các tuyến dưới, bác sĩ Dũng đề nghị các TTYT quận, huyện từng bước triển khai cấp thuốc ngoại trú cho bệnh nhân.

Riêng đối với BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, Sở Y tế sẽ tính toán để tăng biên chế, tránh tình trạng quá tải và nhiều bác sĩ phải làm việc quá căng thẳng như hiện nay.

Theo Người lao động