Sóc Trăng:
Rắn lạ tấn công người dân
(Dân trí) - Từ đầu năm 2010 đến nay, người dân xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) đứng ngồi không yên trước tình trạng rắn lạ tấn công. Không chỉ cắn người ngoài ruộng rẫy, loại rắn này còn bò cả vào nhà ở.
Y sĩ Lê Văn Hoanh, Trưởng trạm y tế xã An Thạnh Nam, cho biết: Từ đầu năm 2010 đến nay, xã đã có 9 người dân bị rắn lạ cắn, trong đó có 4 người chết, 5 người bị thương.
Theo ông Phan Văn Thức, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam: Đây là hiện tượng rất bất thường, bởi từ trước tới nay ở đây chưa bao giờ có chuyện rắn tấn công người như vậy. Ngoài 9 người bị cắn trước đó, ngày 8/4 lại có thêm một người nữa chưa rõ danh tính.
Bà Trương Thị Nước (56 tuổi), mẹ nạn nhân Trần Thị Ngọc Diễm Thúy, kể: Vào khoảng 15h30 ngày 31/3, Thúy đang chặt lá dừa nước thuê thì bị một con rắn lạ từ dưới nước lao lên cắn vào đầu gối.
Khi Thúy la lên, mọi người lập tức đưa em tìm thầy lang chữa rắn cắn nhưng qua hai thầy chẳng thầy nào dám chữa vì dấu cắn không phải là rắn thường gặp ở địa phương.
Đến thầy thứ 3 chịu chữa nhưng vẫn không ổn, mọi người lại đưa em đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu, chưa đến nơi thì Thúy tử vong. Lúc đó là khoảng 16h cùng ngày, tức khoảng 30 phút sau khi Thúy bị rắn lạ cắn.
Bà Nước thẫn thờ trước nỗi đau mất con gái út.
Bà Nước cho biết thêm, vết cắn có hai dấu răng hình tròn chứ không phải dấu răng cắn như loại rắn thường gặp. Chỗ bị cắn bầm đen, nạn nhân lên cơn nóng sốt.
Còn anh Nguyễn Văn Bé Ba, chồng nạn nhân Trần Thị Lẻn, kể: Vào khoảng 17h30 ngày 23/1, chị Lẻn ra vườn hái rau thì nghe sột soạt, chưa kịp định thần thì một con rắn to bằng cổ tay người lớn, dài độ 50cm, thân mốc xì lao từ dưới mương lên táp vào bàn tay trái rồi "nhảy vọt" xuống mương.
Nhìn cánh tay vợ chảy máu, lại thấy vết cắn lạ, ngay lập tức anh và mọi người đưa chị đến thầy lang chữa rắn, rồi cấp cứu ở bệnh viện huyện nhưng bệnh tình vẫn không thuyên chuyển, gia đình đang định chuyển đi bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng không kịp, chị Lẻn đã tắt thở vào khoảng 20h cùng ngày, cách thời điểm rắn cắn 2 tiếng rưỡi.
Nơi vợ anh Bé Ba bị rắn cắn.
Anh Bé Ba kể trong nỗi thất thần: “Nhìn vết cắn thấy rất lạ bởi nó hình tròn như móng tay bấm vào nên tui nghi không ổn liền đưa đi ngay nhưng vẫn không cứu được”.
Một cán bộ trạm y tế xã An Thạnh Nam cho biết, có hôm rắn vào tận phòng trực của nhân viên y tế, may mà phát hiện kịp thời.
Bà Đào Thị Út (73 tuổi) lo lắng: “Từ bữa rắn cắn chết nhiều người đến nay, tui phải ở nhà trông nom mấy đứa cháu, chỉ cho tụi nó ở trong nhà chứ không cho ra ngoài vườn. Đêm đến, ngủ không yên vì sợ rắn bò vào bất cứ lúc nào. Nhà luôn thắp đèn sáng suốt đêm. Tối không ai dám ra đường chứ đừng nói ra vườn”.
Theo anh Nguyễn Văn Bé Ba: Ở đây có bài bồi Cù Lao Dung rất nhiều thủy sản như tôm, cá, cua, sò… những ngày chưa xuất hiện rắn lạ, mỗi ngày có từ 400-500 người đến khai thác nhưng từ đầu năm đến giờ không ai dám ra nữa.
Theo khảo sát của đoàn cán bộ trại rắn Đồng Tâm (Quân khu 9), qua vết thương và miêu tả của những người bị rắn cắn được cứu sống, những người này bị rắn Hổ mây cắn, còn với những người bị rắn cắn chết, đoàn không xác định được loại rắn gì vì dấu vết chưa hề gặp.
Để giúp người dân đối phó với rắn cắn, địa phương yêu cầu bà con mua thuốc trị rắn cắn để sẵn trong nhà. Thế nhưng, nhiều người dân rất ngại mua thuốc để sẵn vì “sợ rắn biết sẽ tấn công”. Theo ông Thức, xã sẽ đề xuất với ngành y tế mua một số thuốc để tại trạm y tế xã, khi nào có người bị rắn cắn sẽ có điều trị kịp thời.
Được biết, việc cấp cứu những người bị rắn cắn ở xã An Thạnh Nam rất khó khăn vì đường bộ đang trong giai đoạn nâng cấp sửa chữa, còn đường thủy thì phải đi hết 3 giờ đồng hồ và phụ thuộc vào con nước lên xuống mỗi ngày.
Bạch Dương