1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rắc rối khi mua nhà sở hữu nhà nước

30/10 là thời hạn kết thúc việc mua nhà thuộc sở hữu nhà nước ở Hà Nội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, số hồ sơ đủ điều kiện để làm thủ tục mua bán không nhiều, khá đông người mua nhà mang hồ sơ đến nộp bị trả về do thiếu các loại giấy.

Số người đến nộp hồ sơ mua nhà tại các xí nghiệp quản lý và phát triển nhà đang tăng cao so với các tháng trước, trung bình có khoảng 50-70 người đến nộp hồ sơ trong một ngày. Sau khi trao đổi với cán bộ tiếp nhận, nhiều người đã phải quay về vì thiếu các loại giấy tờ như chứng nhận nghỉ hưu trí, chứng nhận kết hôn, công an phường...

Hồ sơ đã nộp vẫn phải bổ sung

Đầu tháng 7, Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất ra văn bản yêu cầu đơn mua nhà phải có tên đầy đủ các thành viên trên 18 tuổi hoặc phải có ủy quyền cho một thành viên đứng tên, đều phải có xác nhận của chính quyền. Không chỉ áp dụng cho tất cả các hồ sơ chưa nộp, mà còn cả số hồ sơ đã nộp tại các xí nghiệp quản lý nhà.

 

Quy định này mới ra, trên bản hướng dẫn không có nên rất nhiều người mang hồ sơ đến nộp mới biết rằng cần có giấy tờ này, thế là phải quay về. Nhiều hộ khác cũng yên tâm nộp toàn bộ giấy tờ mua nhà thì lại có giấy báo bổ sung giấy ủy quyền hoặc phải làm lại hồ sơ. Chị Thanh Mai, tập thể Trung Tự, than phiền, tôi đã phải đến xí nghiệp kinh doanh nhà tới 3 lần để tìm hiểu hồ sơ. Tưởng là xong rồi thì lại phải bổ sung cái giấy ủy quyền. Theo quy định thì phải đưa tên cả 6 người trong nhà vào sổ đỏ, rồi lại thêm phiền phức khi bán nhà hoặc thế chấp. Khi ra công chứng, cả 6 người sẽ phải cùng đi bán nhà. 

 

Không chỉ người dân thấy phiền phức, các đơn vị nhận hồ sơ cũng tất bật lục tìm lại toàn bộ hồ sơ để yêu cầu người dân bổ sung.

 

Vướng mắc khác là với các căn nhà đã được chuyển quyền sử dụng. Quy định với nhà chuyển quyền trước 23/6/2000 thì người mua nhà chỉ cần cam đoan, xác nhận của phường, song nếu thời điểm sau 23/6/2000 thì phải có mặt của hai bên mua bán, có xác nhận của chính quyền phường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều căn hộ đã được bán đi bán lại 2-3 đời chủ trong vòng 6 năm gần đây, nên chủ sở hữu hiện thời khó tìm gặp được người cũ để làm giấy tờ nhà theo quy định.

 

Các hồ sơ chuyển quyền này không chỉ cần xác nhận của UBND phường mà còn của Công an phường về tình trạng sở hữu nhà. Theo anh Hưng, phường Đồng Tâm, hồ sơ mua nhà của xí nghiệp kinh doanh nhà yêu cầu phải có giấy xác nhận của công an phường rằng hộ cũ đã chuyển đi, hộ mới đang ở ổn định. Song khi mang giấy xác nhận ra, thì công an phường Đồng Tâm cương quyết không chấp nhận ký xác nhận các giao dịch về nhà ở. Thế là hồ sơ mua bán nhà đành bị treo. "Chính sự không thống nhất trong quy định của các cơ quan liên quan khiến người dân bị hành", anh Hưng bức xúc.

 

Ngoài ra, theo quy định, nếu muốn sát nhập phần đất lấn chiếm liền thổ thì chủ sở hữu phải được sự đồng ý của các hộ liền kề, các bên phải đưa nhau ra UBND phường ký nhận. Đây cũng là nan giải nếu các hộ dân không có thiện chí với nhau.

 

Với những hộ dân đã phá dỡ nhà được nhà nước cấp, mà chưa có giấy thanh lý thì người dân vẫn phải mua lại căn nhà đó. Theo bà Thùy Dương, phố chùa Bộc, bà được phân nhà cấp 4 từ năm 1972, giờ hư hỏng nặng, không thể ở được nên đã phải phá dỡ và xây dựng nhà 3 tầng. Khi hóa giá, bà mới hay, ngoài phần đất ở thì bà phải mua lại cả nhà cấp 4 mà đã phá dỡ hơn 10 năm. "Giá trị nhà không đáng bao nhiêu song phải nộp tiền nhà, cả tiền sử dụng đất là bất hợp lý. Trong khi, nhiều hộ dân xung quanh lấn chiếm đất trước năm 1993 thì được hợp thức hóa, không phải đóng tiền sử dụng đất", bà Dương ấm ức.

Đó là chưa kể nhận sổ đỏ sẽ phải đóng thuế sử dụng đất tới 40% theo giá thành phố, khiến nhiều gia đình điêu đứng.

Thủ tục chồng chéo để... xiết chặt

Theo ông Hoàng Hoa Nam, Giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 2 - đơn vị nhận đơn mua nhà của dân, đúng theo quy định khi đơn vị sở hữu bán nhà cho dân mà chưa thanh lý thì người dân vẫn phải trả tiền mua nhà.

 

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, một số quy định là khá cứng nhắc, như phải ủy quyền các thành viên trong gia đình hoặc chứng nhận của cơ quan công an khi chuyển quyền. "Quy định này khá phiền toái cho dân, chúng tôi cũng rất mất thời gian rà soát lại hồ sơ để thông báo cho dân. Mỗi ngày có 70-80 người đến nộp hồ sơ song chỉ tiếp nhận được khoảng 50 chiếc đủ điều kiện".

 

Bà Nguyễn Hồng Ánh, Trưởng ban 61, Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất, nhận xét, việc mua nhà phải có tên đầy đủ thành viên là đúng Luật nhà ở. Từ trước đến nay, cơ quan quản lý ra các quy định chưa đầy đủ nên giờ đây phải bổ sung.

 

Tuy nhiên, bà Ánh cho hay, quy định phải có chứng nhận của công an phường đối với nhà qua chuyển nhượng đã được Công ty quản lý và phát triển nhà tự đưa ra để xiết chặt thủ tục pháp lý, tránh kiện cáo tranh chấp giữa người mua bán sau này, chứ Sở Tài nguyên Môi trường không ra quy định này.

 

Theo UBND thành phố Hà Nội, sắp hết hạn thời gian mua nhà của Nhà nước (30/10) song thành phố mới bán được 50% số nhà thuộc sở hữu nhà nước (82.500 nhà). Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng gia hạn đến 30/12 để thêm thời gian cho dân đăng ký nhà và các cơ quan bán nhà thẩm định hồ sơ.

Sau năm 2006, những nhà thuộc diện không bán, nhà ở được bán mà người dân không mua, sẽ được cải tạo theo phương thức huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, để cho thuê hoặc bán theo giá mới.

 

Theo Đoàn Loan
VnExpress