1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rà soát lao động Việt Nam bỏ trốn tại Ả-rập Xê-út

(Dân trí) - Trước vấn nạn lao động Việt Nam bỏ trốn, xuất khẩu lao động trái phép gia tăng, cơ quan chức năng nước ta đang rà soát lao động bất hợp pháp để thông tin về chương trình ân xá đối với lao động nước ngoài tại nước này.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hiện nay tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, xuất khẩu lao động trái phép gia tăng. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 700-800 lao động Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, thông tin đáng mừng là hiện Chính phủ Ả-rập Xê-út đã chính thức thông báo thực hiện chương trình ân xá đối với lao động nước ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Ả-rập Xê-út nhằm tăng cường quản lý người lao động nước ngoài và tạo một môi trường làm việc bền vững, ổn định tại đất nước này.

Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ xuất khẩu lao động yêu cầu khẩn trương rà soát danh sách lao động Việt Nam đã bỏ trốn thời gian qua và thông báo cho gia đình người lao động biết về chương trình ân xá, hướng dẫn người lao động liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út  để được hỗ trợ làm thủ tục chuyển đổi nơi làm việc hoặc làm thủ tục xin về nước theo chương trình ân xá này.

Lãnh đạo Cục cho biết thêm, chương trình ân xá sẽ kết thúc vào ngày 3/7/2013. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai mạnh mẽ các chương trình thông tin đến người lao động.
 
Vấn nạn lao động Việt Nam bỏ trốn trong quá trình hoặc sau khi kết thúc hợp đồng ở nước ngoài đang là nỗi nhức nhối của ngành xuất khẩu lao động. Trong đó nặng nề nhất là thị trường Hàn Quốc, trong năm qua thị trường này hầu như đã đóng băng, ngừng tiếp nhận hồ sơ mới từ Việt Nam. Gần 12.000 hồ sơ lao động đã thi đậu các kỳ thi tiếng Hàn đang chờ được chủ sử dụng Hàn Quốc chọn lựa coi như mất cơ hội đi xuất khẩu lao động sang quốc gia này. Trong khi đó, Hàn Quốc vốn là thị trường lâu năm của Việt Nam.

 Phạm Thanh