1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Rà” quy định trong việc Dương Chí Dũng ở tù vẫn nhận lương

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí về chuyện Dương Chí Dũng trong 2 năm ngồi tù vẫn được nhận lương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đã yêu cầu rà lại quy định áp dụng trong trường hợp này.

Quyết định buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng được ban hành mới đây đã gây bất bình trong dư luận vì điều này có nghĩa, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải có 2 năm ngồi tù mà vẫn được nhận lương. Quyết định xử lý tại thời điểm này của Bộ GTVT theo Bộ trưởng có hợp lý?

Tới giờ này, báo cáo của Bộ GTVT và đơn vị trực tiếp quản lý của Dương Chí Dũng là Cục Hàng hải vẫn khẳng định đã làm đúng vì pháp luật có quy định “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của toà án”. Như vậy là khi khởi tố, truy tố mà chưa bị xét xử, kết án theo đúng quy định thì họ vẫn được hưởng 50% lương theo quy định của luật Cán bộ công chức.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Dương Chí Dũng có điểm rắc rối là việc ông này bỏ trốn. Bộ phận quản lý nhân sự của Bộ GTVT thì nói rằng, quá trình khởi tố khi đó, họ không thể “nhúng tay” vào để làm gì. Về điểm này, chúng tôi còn đang xem xét. Trách nhiệm của cơ quan khởi tố khi phát hiện bị can trốn, ai phải thông báo cho ai về vấn đề gì, như vậy là chưa được xét đến.

Còn về phía các cơ quan tham mưu, chúng tôi cũng đang cho rà soát lại việc này.
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: "Đáng ra, khi bị can có hành vi bỏ trốn, cơ quan tố tụng và cơ quan quản lý cán bộ phải liên lạc thông tin, cùng ngồi lại để thống nhất quan điểm xử lý".

Nhưng việc trả lương cho người đã ngồi tù đến 2 năm rõ ràng rất bất hợp lý, khó giải thích cho thông với người dân, dư luận, thưa Bộ trưởng?

Không phải ai cũng hiểu được quy định này cho nên cần phân tích cụ thể của cơ quan chức năng để làm rõ. Còn chúng tôi cũng đang cho hỏi kỹ lại tình tiết Dương Chí Dũng bỏ trốn để xem trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử lý là cơ quan khởi tố hay cơ quan quản lý cán bộ.

Giải thích về việc vẫn trả lương cho Dương Chí Dũng, Bộ GTVT viện dẫn Điều 24, Nghị định 34 năm 2011 của Chính phủ về việc xử lý cán bộ vi phạm pháp luật. Nhưng cũng trong Nghị định này, Điều 14 cũng quy định về việc cán bộ công chức nghỉ việc không lý do 7 ngày liên tiếp hoặc 20 ngày trong 1 năm thì đủ điều kiện buộc thôi việc ngay lúc đó?

Bộ GTVT có báo cáo, trong trường hợp này, khi cơ quan điều tra khởi tố Dương Chí Dũng thì trách nhiệm cũng thuộc về cơ quan điều tra, tố tụng. Nhưng theo luật thì trước mắt tôi chưa thấy quy định này và đang cho rà soát lại.

Không chỉ Dương Chí Dũng, ngay trong vụ việc xảy ra tại Vinalines, nguyên Tổng GĐ TCTy Mai Văn Phúc cũng nằm trong diện phải xử lý như này. Việc duy trì chế độ cho những cán bộ “dính chàm” gây bất bình cho dư luận và khiến nhiều người băn khoăn cho rằng các quy định về việc này có điểm “gợn”?

Cái này là do tổ chức thực hiện thôi chứ không phải do quy định vì luật rõ ràng cho phép không phải chờ đến khi cán bộ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, kết án mới xử lý được mà chức năng nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan có trách nhiệm là có thể xử lý hành chính trước khi có việc khởi tố cán bộ công chức có hành vi sai trái. Trường hợp bị khởi tố là bất khả kháng thì phải làm theo Nghị định 34 như bạn đã đề cập.

Còn nói quy định có gợn hay không thì chúng tôi đang cho xem xét.
“Rà” trách nhiệm trong việc trả “lương ngồi tù” cho Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng trong buổi chiều ngày 7/5/2014 khi được đưa đến toà phúc thẩm TAND tối cao nghe tuyên án "chung cuộc".

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nêu nhận định, quy định pháp luật hiện tại chưa rõ ràng về thời điểm xử lý cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật nên rất khó xác định?

Trách nhiệm về vấn đề này, tôi đã nói anh em xem xét lại, như người ta nói, khi bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra phải có thông báo với cơ quan quản lý cán bộ. Mà theo đó, chỉ cần 7 ngày vắng mặt, không đi làm là cơ quan quản lý có thể xử lý với quyết định buộc thôi việc. Nhưng như Bộ trưởng Thăng nói, lúc khởi tố, quá trình tố tụng, cơ quan quản lý cán bộ không xen vào được.

Giải thích vậy chưa chắc đã chuẩn nhưng giờ cần hỏi lại có quy định gì về việc này không. Còn đáng ra, khi bị can có hành vi bỏ trốn thì cơ quan tố tụng và cơ quan quản lý cán bộ phải liên lạc thông tin, cùng ngồi lại để thống nhất quan điểm xử lý.

Nhiều ý kiến phân tích, có sự lúng túng trong thực tiễn khi nhiều trường hợp, cán bộ bị điều tra về các tội về chức vụ như tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Các tội danh này đều liên quan đến trách nhiệm công vụ mà như thế thì đều có thể xử lý với các hình thức kỷ luật luên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công vụ như buộc thôi việc?

Sau việc này chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vì có nhiều trường hợp thậm chí phải xử lý về mặt hành chính cán bộ trước khi xem xét hình sự. Nhưng có vấn đề là, thông thường cơ quan quản lý cán bộ không phát hiện ra sai phạm của cán bộ, có phát hiện ra cũng không kịp xử lý vì khi đó đã thành hình sự rồi mà chuyển sang hình sự thì không thể xen vào để xử lý người của mình được.

Tuy nhiên, chuyện này rất nhạy cảm nên có người đã bức xúc nói là “đi ở tù như này thì tôi cũng xin đi ở tù luôn vì lợi quá, không phải làm việc, không phải chịu trách nhiệm gì mà vẫn được nhận lương”.

Thưa Bộ trưởng, đó chính là nội dung bình luận của độc giả khi Dân trí đăng bài phản ánh về việc Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương trong 2 năm ở tù. Các ý kiến đều cho rằng việc này quá phi lý. Một số chuyên gia trong lĩnh vực còn kiến nghị phải xem xét, chỉnh lại Nghị định 34?

Tôi sẽ xem lại việc đó. Tôi cũng có suy nghĩ, nếu sửa quy định thì cần phải rõ ràng, phải quán triệt, đã nghỉ việc là không có lương. Trước hết là như vậy, đã không làm việc thì không hưởng bất cứ chế độ gì. Còn khi nào cán bộ được phục hồi thì tính tiếp còn không thì những chế độ, quyền lợi đó cũng mất luôn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (thực hiện)