1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ra ngõ gặp người... tâm thần

Xóm Cát ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị có diện tích chưa đầy 1 km2 nhưng có đến 7 người mắc bệnh tâm thần, đi lang thang khắp đường làng. Phụ nữ mỗi lần ra đường đều run vì sợ gặp người điên.

Ra ngõ gặp người... tâm thần - 1

Ông Trần Kim Tốn (trái) ở xóm Cát suốt ngày phải vất vả với người con bị bệnh tâm thần của mình

 

Bán nhà chữa bệnh cho con

 

Hỏi đường đến xóm Cát, có người bảo với tôi: Đến xóm đó nguy hiểm lắm. Ở đó, đi đâu cũng có thể gặp người tâm thần. Chưa tin lắm, cho đến khi tôi được chị Trần Thị Hoa, cán bộ phụ trách công tác xã hội của xã Hải Phú, dẫn đến từng nhà có người bệnh tâm thần.

 

Số người mắc căn bệnh này ở Hải Phú đáng báo động. Vừa bước chân vào nhà ông Trần Kim Tốn, 71 tuổi, tôi gặp con ông Tốn, một  thanh niên áo quần rách nát, hôi hám, lù lù xông đến như muốn đánh vào người lạ.

 

Ông Tốn nghẹn ngào kể lại: “Cháu Nguyễn Quốc Thắng nhà tôi bị tâm thần gần 9 năm rồi. Gia đình đưa đến 7 bệnh viện chữa trị mà không khỏi. Bây giờ,  tôi quá tuyệt vọng, chẳng biết kiếm đâu ra tiền để chữa bệnh cho con. Tiền thuốc thì bệnh viện không thu, nhưng tiền ăn, uống rất tốn kém. Sống với người tâm thần khổ lắm. Nhiều hôm Thắng cầm dao rượt đuổi mọi người trong nhà, rất nguy hiểm”.

 

Hiện nay, hai thôn Long Hưng và Phú Hưng, xã Hải Phú, có đến 27 người mắc bệnh tâm thần, chưa kể số người đã chết vì bệnh này. Những người bệnh này đã làm cho cuộc sống của nhiều gia đình ở đây càng thêm khó khăn, bế tắc.

Ông Tốn cho hay khi mới sinh, Thắng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm 18 tuổi, Thắng có biểu hiện không muốn đến chỗ đông người, đi học về thích ngồi một mình, sau đó phát bệnh nặng.

 

Bây giờ mỗi ngày Thắng hút đến 3 gói thuốc, không ai ngăn cấm được; suốt ngày cứ đi lang thang. Có lần, ông Tốn phải vào tận Nha Trang để đưa Thắng về. “Nhìn con trai lang thang, điên dại, tôi quá đau lòng” - bà Phạm Thị Du, vợ ông Tốn, buồn bã.

 

Cách nhà ông Tốn khoảng 100 m là nhà bà Văn Thị Thiện. Bà Thiện cũng có người con trai tên Phan Phúc bị tâm thần nặng gần 10 năm nay. Bà Thiện, 67 tuổi, phải bán ngôi nhà cạnh Quốc lộ 1A để lấy tiền chữa bệnh cho con, một phần để làm lại căn nhà nhỏ ở xóm Cát.

 

Bà Thiện kể: “Suốt ngày Phúc không mặc quần áo, đi khắp làng. Mỗi lần như vậy, tôi rất buồn vì phải cầm quần chạy theo vừa khóc vừa bảo con mặc. Thấy tôi khóc, Phúc tần ngần đứng lại nhìn rồi bỏ đi chứ không chịu mặc vào”.

 

Gần đây, bà Thiện lại chuẩn bị bán tiếp ngôi nhà nhỏ để chữa bệnh cho người con trai duy nhất của mình. Bà Thiện kể: Ngoài tiền chữa bệnh, bà còn phải tốn tiền thuốc men cho người khác do bị Phúc đánh.

 

Mấy hôm nay trời nắng quá, Phúc đi không nổi nên mới chịu nằm ở nhà. Ngồi nói chuyện mà bà cứ nhìn vào buồng, nơi anh Phúc đang nằm. “Sợ bất thình lình Phúc chạy ra tấn công cả chủ lẫn khách đấy” - bà Thiện đỏ hoe đôi mắt.

 

Mẹ già gần 90 tuổi nuôi con tâm thần

 

Chị Trần Thị Hoa cho biết: Hai thôn Long Hưng và Phú Hưng của xã này có đến 27 người mắc bệnh tâm thần, chưa kể số người đã chết vì bệnh này. Trong đó có 17 người được trạm y tế xã cấp thuốc uống thường xuyên. Số còn lại do gia đình không có điều kiện chăm sóc nên họ không đến nhận thuốc.

 

Bà Trần Thị Miên gần 90 tuổi, có người con gái tên Phan Thị Hương bị tâm thần nặng. Hai mẹ con nghèo khổ ở với nhau trong ngôi nhà tạm bợ nơi xóm Cát. Chị Hương thường bỏ nhà ra đi. Bà Miên tuổi già ốm yếu, thương con đứt ruột nhưng chẳng làm được gì hơn. Cán bộ y tế đến phát thuốc, chị Hương chẳng ở nhà mà có ở nhà cũng không nhớ để uống. 

 

Hoàn cảnh kinh tế của những gia đình có người bị bệnh tâm thần ở đây rất khó khăn. Họ thuộc diện hộ nghèo, được vay tiền ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, được cấp bò, heo giống để nuôi. Song, vì thiếu tiền chữa bệnh cho con nên họ phải bán mọi thứ trong nhà. Có gia đình cầm cả sổ hưu.

 

Chưa xác định nguyên nhân

 

Chủ tịch UBND xã Hải Phú, ông Văn Ngọc Ánh, thừa nhận: “Người dân ở xã mắc bệnh tâm thần khá nhiều, trẻ em cũng có nhưng phần lớn người mắc bệnh ở độ tuổi trưởng thành.

 

Nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Địa hình Hải Phú chủ yếu là vùng bán sơn địa, đất sỏi, cát, cuộc sống của người dân đang hết sức  khó khăn. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cụ thể về những tác động tự nhiên, xã hội ở vùng đất này, giúp hạn chế phần nào căn bệnh tâm thần cho bà con”.

 

Theo Linh An

 Người lao động