“Quyền lực nhà nước không nằm ở trên cao”

(Dân trí) - Ngày 16/4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Quyền lực Nhà nước trong một thiết chế dân chủ nằm trong tay nhân dân chứ không phải nằm ở trên cao” – một đại biểu phân tích.

Tiến thoái lưỡng nan với mô hình HĐND

Vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo luật đến thời điểm này vẫn được thiết kế với 2 phương án. Phương án 1 quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Phương án 2 quy định ở phường chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Chủ tịch UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý giải thích về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện cần được xác định trong các đạo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền.
 
Hội nghị đại biểu chuyên trách được tổ chức trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Hội nghị đại biểu chuyên trách được tổ chức trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Đình Bích (Phó Chủ tịch HĐND Hải Phòng) nhất trí phương án 1 vì thể hiện rõ ưu điểm, phù hợp với Hiến pháp 2013 quy định chính quyền địa phương tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính; là chính quyền của dân, do dân, vì dân, được người dân lựa chọn ủy quyền thông qua bầu ra cơ quan đại diện ở tất cả các đơn vị hành chính, ở các cấp chính quyền.

“Quyền lực Nhà nước trong một thiết chế dân chủ nằm trong tay nhân dân chứ không phải nằm ở trên cao, không phải trên bổ xuống mà dưới ủy quyền lên qua bầu cử” – ông Bích lập luận.

Đại biểu cho rằng việc vẫn tổ chức HĐND là quan trọng. Nếu không tổ chức HĐND phường thì mô hình ở cấp này cũng không thể gọi là “chính quyền” địa phương đó mà là chính quyền của quận đặt tại phường. Từ đó, đại biểu cho rằng, những người được bổ nhiệm trước hết chịu trách nhiệm trước cấp trên, chứ không chịu trách nhiệm trước người ủy quyền cho mình.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) thì nhận xét, chưa có phương án nào hoàn hảo. Không thể nói bỏ đi HĐND cấp quận, phường sẽ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn. Còn với phương án 1 – giữ mô hình tổ chức HĐN, nếu không khắc phục được bất cập, hạn chế hiện nay thì cũng không bảo đảm được phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của HĐND, nhất là ở cấp huyện, xã còn mang tính hình thức rất nhiều.

Chính quyền đô thị khác nhau ngay ở quy mô đô thị

Về vấn đề chính quyền đô thị, Chủ nhiệm UB Pháp luật phân tích, quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng, riêng có của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt giữa chính quyền đô thị, nông thôn. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn ngoài việc quyết định về ngân sách, nhân sự, giám sát (như ở địa bàn nông thôn) còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị, quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị, các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị,...

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở quận và phường chủ yếu tập trung quyết định những vấn đề về ngân sách, nhân sự và giám sát hoạt động của UBND mà không quyết định về quy hoạch do địa bàn quận và phường là những đô thị lõi, đã đô thị hóa hoàn toàn nên để bảo đảm tính liên thông, thống nhất, những vấn đề này sẽ do chính quyền thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nhận xét, nếu đặt mục tiêu giữ ổn định hệ thống hành chính hiện có thì dư địa cải cách không nhiều.

“Nếu đặt mục tiêu như vậy thì lựa chọn phương án 1 như dự thảo là việc không có gì phải bàn. Nhưng trong phương án đó, cần thiết kế rõ hơn về chính quyền đô thị; thể hiện sự khác biệt trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ngay cả cùng là đô thị thì chính quyền thành phố trực thuộc trung ương vẫn khác chính quyền thành phố, thị xã thuộc tỉnh; chính quyền thị trấn lại càng phải khác” – đại biểu  Trần Du Lịch nói.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, tuy dự thảo đã nêu ra những nguyên tắc về phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa các cấp chính quyền từ trung ương và địa phương; nhưng như vậy chưa đủ mà phải quy định rất cụ thể vào luật này, vì đây chính là chìa khóa quan trọng để chính quyền địa phương phát huy năng lực sáng tạo của mình trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

P.Thảo