Thanh Hóa:

Quỹ tín dụng “đóng băng”, dân nghèo mòn mỏi chờ trong vô vọng

(Dân trí) - Vỡ quỹ, giám đốc đi tù, số tiền hàng chục tỷ đồng gửi vào Quỹ tín dụng không biết bao giờ mới lấy lại được khiến hàng trăm người dân xã Hoằng Đồng (Thanh Hóa) đứng ngồi không yên.

Hàng trăm người dân gửi tiền vào Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đã 4 năm trôi qua, họ nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng mong sớm lấy lại số tiền gửi, tuy nhiên đến nay tất cả dường như vô vọng.

Vỡ quỹ gây thất thoát hàng chục tỉ đồng

QTDND Hoằng Đồng được Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thanh Hóa cấp phép thành lập và hoạt động từ năm 2007, được phép kinh doanh tiền tệ, tín dụng và các hoạt động dịch vụ ngân hàng trên địa bàn 4 xã gồm: Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh và Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa). Tuy nhiên, cuối năm 2014, QTDND Hoằng Đồng hoạt động trái quy định dẫn tới vỡ quỹ, nhiều người đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt, truy tố.

Qũy nhân dân tín dụng Hoằng Đồng đóng cửa nhiều năm.
Qũy nhân dân tín dụng Hoằng Đồng đóng cửa nhiều năm.

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến cuối năm 2013, Nguyễn Hữu Nha, Giám đốc QTDND Hoằng Đồng đã quyết định và chỉ đạo cho 3 cá nhân đứng tên doanh nghiệp và 1 cá nhân ngoài địa bàn, không phải là thành viên QTDND vay vốn trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn, vay không hồ sơ pháp lý, không hợp đồng vay vốn, không tài sản thế chấp, không thẩm định trước khi cho vay là trái với quy định cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Nguyễn Hữu Nha đã chỉ đạo Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Quơ (là thủ quỹ chi tiền) cho khách hàng vay không có hồ sơ, chứng từ hợp lệ, rồi ký và hạch toán khống phiếu chi trên cơ sở hồ sơ cho vay lập khống vào hồ sơ quỹ để đối phó với cơ quan chức năng. Tiếp đó, Nha giao cho Nguyễn Hữu Thạch (kế toán trưởng) lập khống hồ sơ vay vốn nhằm hợp lý hóa các khoản cho vay, giao cho Hoàng Ngọc Phong (trưởng ban kiểm soát hàng ngày) lập bảng kê khai tính lãi và biên bản đối chiếu công nợ, đôn đốc, thu hồi nợ, lãi các món vay trái quy định pháp luật.

Với việc gây thất thoát hơn 28 tỉ đồng, Nguyễn Hữu Nha đã bị HĐXX tuyên phạt 13 năm tù, Nguyễn Thị Lý 5 năm tù, Nguyễn Hữu Thạch 5 năm 6 tháng tù, Hoàng Ngọc Phong 6 năm tù, Phùng Tiến Quân 8 năm tù, Lê Thị Quơ 36 tháng tù cho hưởng án treo. Đồng thời yêu cầu các bị cáo hoàn trả lại số tiền gây thất thoát trên.

Khốn khổ vì gửi tiền vào quỹ

Dù sai phạm tại QTDND Hoằng Đồng đã được ngăn chặn, nhưng việc khắc phục hậu quả là hoàn trả lại tiền cho người dân gửi vào quỹ này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Bà Nguyễn Thị Chớn (SN 1941, thôn 3, xã Hoằng Đồng) cho biết, cả đời bà làm lụng vất vả tiết kiệm được 200 triệu đồng đang định sửa lại căn nhà nhưng rồi nhân viên của QTDND Hoằng Đồng tới vận động. Nghĩ sẽ gửi 1 tháng sẽ rút ra vừa có lời lại vừa có chỗ cất số tiền lớn, bà Chớn đã gửi tiền vào đây.

Thế nhưng đã 4 năm trôi qua, tiền không rút được, bà vẫn sống trong căn nhà xập xệ, xuống cấp. Bà Chớn tâm sự: “Gia đình tôi hiện rất khó khăn, tôi thì già cả, sống cùng gia đình đứa con trai bị tai biến nhiều năm, giờ chỉ mong sớm lấy được tiền để trang trải cuộc sống và sửa lại căn nhà mà không biết chờ đến khi nào”.

Do gửi tiền vào quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng nên bà Chớn không còn tiền xây lại căn nhà đã sắp đổ nát của mình.
Do gửi tiền vào quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng nên bà Chớn không còn tiền xây lại căn nhà đã sắp đổ nát của mình.

Cùng tâm tư như bà Chớn, ông Nguyễn Văn Nguyên (SN 1950, thôn 5, xã Hoằng Đồng) bộc bạch: “Khi QTDND Hoằng Đồng ra đời, họ nhiều lần đến nhà vận động gia đình tham gia, sau đó gia đình gom góp cả của con cái gửi vào đó 235 triệu đồng. Cho đến giờ, gia đình muốn làm nhà, con cái muốn lấy tiền để lo công việc thì không lấy lại được”.

Cũng theo ông Nguyên, trong số những người gửi tiền vào QTDND Hoằng Đồng có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, cả đời tích cóp được vài triệu đồng hy vọng gửi tiền vào quỹ mỗi tháng sẽ kiếm thêm được ít tiền lãi trang trải cho cuộc sống, ai ngờ tiền lãi chẳng có mà tiền gốc cũng có nguy cơ không lấy được.

Đáng thương nhất là hoàn cảnh của bà Hoàng Ngọc Ơn, bà Ơn sống neo đơn, gửi vào quỹ 11 triệu đồng thế nhưng đến lúc chết bà cũng chưa nhận lại được số tiền của mình.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đồng cho biết, tại các cuộc họp HĐND người dân cũng có kiến nghị và mong sớm lấy lại tiền gửi trong QTDND Hoằng Đồng. “Chúng tôi cũng có phản ánh lên cấp trên thì được biết hiện QTDND này được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và chờ ý kiến của ngân hàng cấp trên. Xã cũng chia sẻ với người dân, tuy nhiên việc xử lý không thuộc thẩm quyền nên cũng không biết khi nào bà con mới lấy được tiền”- ông Trung nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh Thanh Hóa) cho biết, hiện QTDND Hoằng Đồng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý và không còn khả năng sinh lời.

“Kể từ ngày dừng hoạt động, quỹ đang nợ hơn 31 tỉ đồng với trên 900 sổ tiền gửi, hiện số tiền sai phạm buộc phải thu hồi vẫn chưa thu được đồng nào. Để khắc phục hậu quả, chúng tôi đã làm phương án phá sản gửi Ngân hàng nhà nước và Trung ương từ tháng 7/2016, tuy nhiên hiện vẫn chưa được đồng ý nên vẫn phải chờ. Còn lúc nào người dân có thể lấy được tiền chúng tôi cũng không rõ”- ông An nói.

Cũng theo ông An, việc xử lý hậu quả mà QTDND Hoằng Đồng để lại nằm ngoài khả năng của Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh và Trung ương vì Ngân hàng Nhà nước chỉ có nhiệm vụ tập hợp sau đó trình Chính phủ, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để xử lý.

“Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người dân và cũng rất thông cảm và chia sẻ với họ, tuy nhiên để giải quyết cho người dân rút tiền thì chúng tôi cũng không thể làm được”- ông An thông tin thêm.

Bình Minh