1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Quy mô các vụ tham nhũng, buôn lậu ngày càng lớn

(Dân trí) - Thời gian qua, tình trạng tiêu cực, tham nhũng diễn ra phổ biến ở hầu hết các cấp, ngành với quy mô ngày càng lớn và tinh vi. Nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện ở các cơ quan công quyền. Nhiều vụ lừa đảo ở các doanh nghiệp, kèm theo đó là các hoạt động rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia…

Đó là một phần nội dung trong bản báo cáo của Bộ Công an - Cảnh sát điều tra, về tình hình và kết quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm kinh tế 8 tháng đầu năm nay.

 

Xuất hiện loại tội phạm mới: người nước ngoài

 

Báo cáo cho biết, quy mô của các vụ tham nhũng, buôn lậu ngày càng lớn, trong đó có các hoạt động xuyên quốc gia, rửa tiền và sử dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Hiện nay, đối tượng tham nhũng, buôn lậu thường thông qua ký kết các hợp đồng thương mại, phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án khác để nhận tiền, gửi giá chuyển tiền vào tài khoản mở hoặc mua tài khoản và bất động sản ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều vụ đối tượng tham nhũng có chức vụ cao trong các cơ quan quản lý ở trung ương và các cấp tỉnh.

 

Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm của các đối tượng là người nước ngoài có diễn biến rất phức tạp. Bằng những thủ đoạn lợi dụng sự chuyển đổi của cơ chế thị trường với hình thức kinh doanh mới như hoạt động thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu để thực hiện hành vi tội phạm.

 

Điển hình là vụ thành lập công ty “ma” rồi phát hành cổ phiếu giả với tổng mệnh giá gần 100 tỷ đồng do Lý Hữu Hoàng (Việt kiều tại Mỹ) cầm đầu.

 

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố đối với Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Hải Phòng và Ngân hàng ABN- AMRO Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4.600 USD và gần 13 tỉ đồng.

 

Theo báo cáo, tình hình tham nhũng trong đầu tư cơ bản vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hầu hết các giai đoạn trong quá trình đầu tư đều có thất thoát. Thủ đoạn của các đối tượng thường rất tinh vi, khó phát hiện và gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là các khâu trong thi công.

 

Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong “chạy dự án” vẫn tiếp tục xảy ra với hành vi và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là vụ hai giám đốc công ty TNHH ở Hà Nội cấu kết với đối tượng quốc tịch Đài Loan lừa đảo 17 doanh nghiệp, chiếm đoạt trên 4 tỷ đồng.

 

Trong 8 tháng đầu năm, tình trạng chiếm đoạt tiền Nhà nước qua các hoạt động ngân hàng để chơi cờ bạc, cá độ cũng diễn ra rất phổ biến.

 

Nhiều vụ tham nhũng ở các cơ quan công quyền

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 8 tháng đầu năm 2006, toàn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm đã phát hiện, điều tra 5.855 vụ tội phạm kinh tế, trong đó có 489 vụ xâm phạm sở hữu gây thiệt hại 700 tỷ đồng, thu hồi hơn 82 tỷ triệu đồng; 5366 vụ buôn bán lậu, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác, thu giữ hàng hoá trị giá hơn 90 tỷ đồng, truy thu phạt thuế gần 11 tỷ đồng.

Điển hình trong số các vụ tham nhũng ở các cơ quan công quyền là tình trạng cấp đất, bán đất trái thẩm quyền, thực hiện giải phóng đền bù không đúng quy định; thanh quyết toán khống hoặc bớt xén khối lượng các công việc xây dựng ở các công trình hạ tầng cơ sở;…

 

Bên cạnh đó, tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh đòi hối lộ của cán bộ ngành Thuế, Hải quan và các cán bộ cơ sở vẫn chưa giảm. Điển hình là vụ việc Chủ tịch và kế toán Uỷ ban nhân dân xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tự ý bán đất của xã trái thẩm quyền, tham ô số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

 

Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã tiến hành khởi tố và bắt giam 3 đối tượng là là cán bộ Cục Thuế Hà Nội. Trong thời gian từ năm 2000 đến nay, các đối tượng đã câu kết với nhau để biển thủ hơn 3 tỷ đồng tiền thuế của các hộ kinh doanh trên địa bàn phường Hàng Gai.

 

Buôn lậu và mua bán hoá đơn GTGT trái phép gia tăng

 

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tình trạng mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mà ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước, cá biệt có những vụ mua bán hàng chục ngàn hóa đơn GTGT (ở Cần Thơ). Nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định về thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu trong vòng 30 ngày đã nhập một số lượng lớn hàng có mức thuế xuất nhập khẩu cao tại một hoặc nhiều cửa khẩu khác nhau, sau đó tiêu thụ nhanh rồi giải thể công ty hoặc bỏ trốn. Hiện nay, số tiền nhập khẩu do các doanh nghiệp dạng này còn nợ Nhà nước lên tới 2.000 tỷ đồng.

 

Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm và gian lận thương mại cũng có chiều hướng gia tăng ở nhiều tuyến và địa bàn trọng điểm. Trong đó, phía Bắc tập trung ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Miền Trung tập trung ở Hà Tĩnh, Quảng Trị. Phía Nam tập trung chủ yếu ở biên giới phía Tây Nam. Các đối tượng buôn lậu luôn sẵn sàng manh động, chống người thi hành công vụ khi bị bắt quả tang.

 

Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu mạnh, vàng, ngoại tệ, điện thoại di động và các mặt hàng bánh, mứt, kẹo. Điển hình ngày 8/9, C15 đã bắt khẩn cấp giám đốc hai  công ty Thiên Lợi Hòa và Hải Viên với tội danh nhập lậu nguyên liệu thuốc lá và trốn thuế hàng tỷ đồng.

 

Tình trạng xuất lậu xăng dầu sang biên giới Campuchia vẫn diễn ra nhỏ lẻ trên các tuyến biên giới các tỉnh Nam Bộ, do giá xăng dầu giữa VN và Camphuchia vẫn chênh lệch.

 

Các vụ buôn bán động vật hoang dã quý hiếm qua biên giới Trung Quốc tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Khó khăn trong công tác này là sau khi thu  hồi và được thả về rừng, những con vật này hầu hết đều không thể sống được do công tác bảo quản, vận chuyển còn nhiều bất cập.

 

Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc và không qua kiểm dịch tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác phòng dịch, đặc biệt là khi mùa cúm gia cầm đang đến gần.

 

Thanh Trầm