Quy hoạch TPHCM, người dân chịu “hy sinh” lớn

(Dân trí) - Việc chậm thực hiện các dự án theo quy hoạch khiến đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn: nhà cửa bán không được, sửa cũng không xong, hạ tầng xuống cấp... Trên cùng khu đất nhưng giá đền bù khác nhau dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Đến khi nhận nhà tái định cư thì chất lượng như cũ, việc làm giảm sút, nhiều người chuyển đi nơi khác...

Tại buổi giám sát về tình hình triển khai Nghị quyết 16 (năm 2012) về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch của HĐND TPHCM diễn ra chiều 28/11, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP – cho biết TP đã tổ chức 2 cuộc điều tra xã hội học về cuộc sống của người dân tái định cư trên địa bàn thành phố.

“Việc giải tỏa, di dời, tái định cư đối với người dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của người dân. Đời sống sau tái định cư đang đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề việc làm, thu nhập, điều kiện ở”, ông Nhã nói.

Việc chậm triển khai các dự án, tổ chức tái định cư chưa bài bản khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa)
Việc chậm triển khai các dự án, tổ chức tái định cư chưa bài bản khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa)

Ông Trương Trung Kiên – Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM – cho rằng báo cáo cần đánh giá rà soát các chính sách hiện hành có gây khó khăn gì cho đời sống người dân tái định cư? Cần đánh giá chất lượng đời sống người dân, hình thức tạm cư đã phù hợp hay chưa, kết quả giải quyết việc làm như thế nào?

Đồng quan điểm, ông Trương Lâm Danh – Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, chỉ ra nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân trong việc thực hiện quy hoạch. Theo ông, nhiều dự án kéo dài mười mấy hai mươi năm chưa triển khai được. Dự án tái định cư cũng chậm triển khai, người dân mòn mỏi chờ dự án tái định cư.

Theo đại biểu Danh, có dự án đa phần người dân bán nhà tái định cư rồi đi nơi khác. Nhiều địa phương không nắm được tình hình mà chỉ trả lời chung chung là đi địa phương khác, “dạt về Long An”.

Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình – Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM cho biết khi đi làm việc với các địa phương, sở ngành thì hay có dự án người dân nhận nhà rất thấp, chỉ 20%, còn phần lớn bán qua tay.

“Tỷ lệ nhận nền đất cũng bán qua tay nhiều, phải tìm hiểu tại sao? Việc chăm lo, thăm hỏi định kỳ người dân tái định cư cũng chưa làm tốt. Có địa phương khi được hỏi hộ tái định cư đi đâu mà không ở đây thì chỉ trả lời được là đi tỉnh”, ông Bình nói.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho rằng: “Các dự án tác động bao nhiêu hộ, rồi đời sống học hành, công việc người dân ra sao thì không trả lời được”.

Theo ông Hải, qua khảo sát đánh giá thì nhà tái định cư chất lượng như cũ là 68%, việc làm người dân giảm sút 13,8%. Ông Hải đề nghị phải có giải pháp bài bản để giải quyết tình hình tái định cư cho người dân.

“Chúng ta phải đặt vấn đề ngược là khi nào tái định cư ổn rồi, chắc rồi thì mới thu hồi đất triển khai dự án chứ khi về đó người ta làm như thế nào?”, ông Hải nói.

Một vấn đề khác được đại biểu Hải chỉ ra là hiện nay quy hoạch nhiều nhưng chưa tìm được nguồn lực để triển khai. Có một thực tế là trên cùng một khu đất nhưng giá đền bù khác nhau, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị đánh giá tình hình tái định cư kỹ hơn. Chính sách ngày càng bổ sung nhưng phải đánh giá chính sách có đồng bộ, đáp ứng nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất hay không?

“Phải đánh giá đúng vấn đề để thấy thành phố ngày càng đi lên là có sự đóng góp của người dân. Nhưng đi đôi với việc đó thì thành phố chăm lo cho người dân có đồng bộ hay không? Nhiều dự án tái định cư tốt nhưng còn lại bộ phận mình không đánh giá được vì người dân nhận tiền không biết họ đi đâu”, bà Tâm nói.

Theo bà Quyết Tâm, phải thống kê được thì mới có bức tranh tổng thể và thấy được sự quan tâm đến tái định cư đã đúng mức chưa? Đi đôi với tái định cư thì hạ tầng kỹ thuật, xã hội, văn hóa đi theo như thế nào?

“Không khéo để lại trong lòng người dân sự bức rức khi thấy thành phố phát triển mà cuộc sống mình khó khăn hơn. Trước ở đó, con cái học hành tốt, thu nhập cao, giờ tới nơi hạn chế hơn thì người ta bức xúc. Điều đó rất đáng suy nghĩ”, bà Tâm nói.

Theo bà Quyết Tâm, thành phố mở rộng khu tái định cư ra ngoại thành như một khu dân cư hiện đại còn chỗ nào “đất đầu thừa đuôi thẹo” mà đưa người dân vào đó là không được. Không nên phân tán đưa người ta đi tứ xứ. Quy hoạch đất phát triển thì cũng phải quy hoạch tái định cư như thành phố mới có đầy đủ hạ tầng, như thế thì không ai từ chối tái định cư.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng việc người dân di dời để thực hiện các dự án phát triển thành phố là sự “hy sinh” lớn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng tái định cư là một bài toán khó
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng tái định cư là một bài toán khó

“Đi vào từng đối tượng thì khác nhau hoàn toàn. Đối với người nghèo, ngoại thành thì chuyển đổi nơi ở và có cuộc sống tốt hơn thì dễ nhưng đối với người dân có đất trung tâm hoặc gần trung tâm thì cũng rất khó có nơi ở mới có thể tốt hơn. Người dân di dời là sự hy sinh lớn”, ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, chính sách nhà ở cho tái định cư là bài toán khó. Có nhiều gia đình đông anh em, người thì đòi tiền, người thì nhà... Lúc người dân chọn lấy tiền thì thành phố “ôm” quỹ nhà.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, khi về nơi ở mới thì người dân đắn đo vì họ quan tâm đến việc đi làm, đi học có gần hay không? Nhiều người cũng e ngại ở căn hộ chung cư vì hàng tháng phải đóng thêm tiền dịch vụ trong khi thu nhập lại thấp.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu với quy hoạch hiện nay thì yêu cầu tái định cư là bao nhiêu, tổ chức tái định cư bài bản chất lượng.

“Tại sao người dân chuyển nhượng nhà tái định cư thì thành phố phải trả lời được. Họ chuyển rồi sống ở đâu, lợi không lợi chỗ nào. Từ đó, mình có chính sách tốt hơn”, bà Tâm nói.

Quốc Anh