1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quy hoạch Đà Nẵng, đừng để nhiệm kỳ trước cản bước nhiệm kỳ sau

(Dân trí) - Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội thảo Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước diễn ra ngày 10/8.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Quy hoạch phát triển Đà Nẵng, đừng để nhiệm kỳ trước cản bước nhiệm kỳ sau
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Quy hoạch phát triển Đà Nẵng, đừng để nhiệm kỳ trước cản bước nhiệm kỳ sau

Chủ trì, điều hành Hội thảo cùng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình có Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng liên quan ở trung ương và địa phương.

Đà Nẵng cần một cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư

Tại Hội thảo, Thành uỷ Đà Nẵng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng kể, như: Kinh tế - xã hội phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển...

Theo Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, bên cạnh những thành tựu với những thuận lợi cơ bản, Đà Nẵng cũng bộc lộ một số bất cập và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, vai trò đầu tàu của TP Đà Nẵng trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 33 chưa thực sự rõ nét.

Bí thư Đà Nẵng kỳ vọng Hội thảo lần này là dịp để các ban, bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học có những đánh giá, góp ý cho định hướng phát triển thành phố trong thời gian tới.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Hội thảo lần này là bước quan trọng để Trung ương ra một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) cho Đà Nẵng; mở đường cho Đà Nẵng phát triển trong ít nhất 10 - 15 năm nữa. Đà Nẵng đang làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rất cần ý kiến chuyên gia tại Hội thảo để Trung ương ra một nghị quyết mới có chất lượng cho Đà Nẵng.

Theo đó, ông Nguyễn Đăng Bình đề nghị Hội thảo tập trung vào các nội dung: Cần có cơ chế đặc biệt có tính đột phá, năng động, sáng tạo để tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển, thu hút nhà đầu tư; Xác định tiềm năng, lợi thế cũng như những bất lợi của Đà Nẵng để định hướng phát triển...

Đặc biệt, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố không nóng vội. Phải làm thật chắc, làm bài bản và làm sao mỗi một thế hệ trước đặt những viên gạch để thế hệ sau phát triển lên, chứ đừng để thế hệ đi trước cản bước thế hệ sau.

Phát triển phải đi đôi với bảo tồn tài nguyên

Góp ý tại Hội thảo, chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để phát triển Đà Nẵng thành một đô thị đáng sống, Đà Nẵng cần xác định ưu tiên phát triển từng khu vực: khu biển, sông, núi; khu cảng biển, khu sân bay...

Đà Nẵng muốn đi xa phải nhấn mạnh vai trò trọng điểm kinh tế vùng và có thế cạnh tranh với các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Đặc biệt, không bao giờ quên bảo tồn những giá trị tự nhiên, sinh thái, định hướng kiến trúc đô thị xanh. “Phát triển Đà Nẵng phải đi đôi với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, định hướng đô thị xanh mới bền vững” - Kiến trúc sư Nam Sơn nhấn mạnh.

Các chuyên gia góp ý Đà Nẵng phải phát triển đi đôi với bảo tồn các giá trị tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên, định hướng đô thị xanh mới bền vững
Các chuyên gia góp ý Đà Nẵng phải phát triển đi đôi với bảo tồn các giá trị tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên, định hướng đô thị xanh mới bền vững

TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn phát triển kinh tế của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, Đà Nẵng thực sự trở thành một hiện tượng về đô thị biển. Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch thẳng thắn nêu nhận định, về cơ cấu kinh tế, ngoài kinh tế biển, Đà Nẵng chưa có gì nổi bật. Đồng thời, lưu ý trong thời gian tới, nếu Đà Nẵng cứ phát triển theo hướng mở rộng quy hoạch nhà ống thì sẽ chẳng có gì khác biệt so với các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, và sớm muộn cũng sẽ đối mặt với các vấn đề “nóng” như các đô thị lớn khác.

TS. Trần Du Lịch cũng góp ý Đà Nẵng cần ưu tiên phát triển đô thị khởi nghiệp sáng tạo. Mới đây, Chính phủ đã giao Đà Nẵng thí điểm mô hình đô thị khởi nghiệp trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là động lực để Đà Nẵng có thêm một định hướng phát triển phù hợp, hiệu quả trong tương lai.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần thể hiện rõ nét vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển chứ không chỉ tính chuyện phát triển riêng cho Đà Nẵng.

“Nếu không đặt trong mối liên kết phát triển vùng thì Đà Nẵng không thể mạnh được” - TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Tâm An