Quy hoạch các tỉnh Tây Bắc cần tạo sự kết nối theo vùng

(Dân trí) - Từ 27-29/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có chuyến công tác, làm việc tại một số tỉnh vùng núi Tây Bắc về công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng. Vấn đề kết nối quy hoạch trong vùng được Bộ trưởng đặt ra với lãnh đạo các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Ngày 29/1, tại Sơn La, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Hải báo cáo với Bộ trưởng nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, hiệu quả đầu tư tăng. Tuy nhiên, vướng mắc với Sơn La là dù các huyện, thành phố trong tỉnh đều có các Ban QLDA để quản lý công trình nhưng do địa bàn rộng, công trình nhỏ lẻ, dàn trải nên một số công trình ở vùng sâu, vùng xa chỉ có thể giám sát được các kết cấu chính của công trình; công tác giám sát không thường xuyên, nghiệm thu hoàn công chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến chất lượng, làm chậm tiến độ quyết toán.

Một trong những thành công trong việc quản lý hoạt động xây dựng được ghi nhận tại Sơn La chính là hiệu quả thực hiện Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Khâu thẩm tra, thẩm định, đánh giá thiết kế cơ sở được thực hiện chặt chẽ hơn, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách. Trước đây, mặc dù các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trên phê duyệt nhưng đến khi thực hiện thường "đội giá" và không kiểm soát được. Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị định 15, công tác thẩm định chặt chẽ đã giúp tiết giảm được khoảng 5,4% giá trị. Trong đó, lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp tiết giảm khoảng 3%, giao thông cao nhất với tỷ lệ hơn 10%, thủy lợi cũng xấp xỉ 10%.

Ông Hải khẳng định, tiếp tục thực hiện theo phương thức này sẽ giúp quản lý chặt chẽ được nguồn vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí. Thống kê năm 2014, tỉnh Sơn La có tổng cộng 695 công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó 299 công trình đã hoàn thành và 394 công trình đang thi công.

Thêm một vấn đề được nêu tại buổi làm việc là Sơn La nằm trong khu vực tiểu vùng Tây Bắc và tập trung 1 Trường đại học Tây Bắc cùng 6 trường trung cấp nghề nên việc phát triển nhà ở cho sinh viên là rất cần thiết. Hiện nay quỹ nhà ở này của Sơn La mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của sinh viên. Do đó, tỉnh đề nghị sớm được cân đối, bổ sung vốn và hỗ trợ kịp thời để Sơn La tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, Sơn La xác định quy hoạch Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế du lịch là rất phù hợp, Bộ trưởng lưu ý tỉnh cần xây dựng quy hoạch chi tiết để phát huy được hiệu quả, lợi thế, chú trọng đầu tư xây dựng sẽ tạo ra hạ tầng kinh tế để thu hút đầu tư. Đây là yếu tố quyết định sự thành, bại của chủ trương, chiến lược.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, hiện quy hoạch không phục thuộc vào địa giới hành chính, nhất là các địa phương như Sơn La nằm trong khu vực Tây Bắc thì khi quy hoạch cần phải tạo sự kết nối theo vùng. Muốn vậy, từng quy hoạch phải đòi hỏi chất lượng cao, cần tiếp tục rà soát, cập nhật và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với bước phát triển mới của địa phương; đồng thời kiểm tra sát sao việc phân bổ nguồn vốn, thực hiện đầu tư theo quy hoạch.
 
Quy hoạch các tỉnh Tây Bắc cần tạo sự kết nối theo vùng
Trong chuyến công tác, làm việc tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra công trình thuỷ điện Lai Châu.

Trước đó, chiều 28/1, làm việc tại Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Lò Mai Trinh, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đề cập với Bộ trưởng Xây dựng khó khăn lớn nhất của tỉnh là thu hút đầu tư. Mặc dù tỉnh đã thực thi nhiều chính sách huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư trong một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng đô thị; các vấn đề về nhà ở cho các cán bộ, công chức, công nhân lao động và những người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh; nhu cầu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa để đầu tư xây dựng các công trình xã hội…

Tại Điện Biên, hạ tầng kỹ thuật xã hội còn kém, 2 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm, cả tỉnh chưa có khu công nghiệp và cũng không có các dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau khi tách tỉnh từ năm 2004, tại Điện Biên các đô thị từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện lỵ đều được tập trung nguồn vốn đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ để triển khai một số chương trình, dự án như chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo; ưu tiên cho tỉnh được thụ hưởng từ nhóm chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho trên 7.000 công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên, người lao động trên địa bàn không đủ khả năng mua nhà...

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, trong điều kiện kinh phí thực hiện xây dựng còn hạn hẹp, tỉnh Điện Biên nên ưu tiên việc cần làm trước; quan tâm tới chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng, nhất là công tác quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc quản lý đầu tư xây dựng, kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng công trình và làm thay đổi diện mạo kết cấu công trình xây dựng ở các khu đô thị, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Bộ trưởng đồng ý sẽ huy động nguồn lực, tặng Điện Biên 2.000 tấn xi măng để hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, thực hiện chương trình Nông thôn mới; kêu gọi doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 27/1, tại Lai Châu, Bộ trưởng Xây dựng lắng nghe tâm tư của Bí thư Tỉnh uỷ Lò Văn Giàng về những khó khăn của địa phương khi điều kiện hạ tầng còn thấp kém, dù có tiềm năng lớn về đất đai, thuỷ điện nhưng khoản lợi ích để lại cho Lai Châu quá thấp, không đáng kể. Bí thư Lò Văn Giàng tính toán, với công suất 2.000 Mw điện mỗi năm nếu Lai Châu được giữ lại khoản thuế VAT thu được thì nguồn ngân sách của tỉnh sẽ… rất khá, có thể tự lo việc chi bảo vệ rừng.

Về công tác xây dựng, lãnh đạo tỉnh báo cáo cụ thể về công tác tái định cư cho trên 8.000 hộ, hoàn thành sớm 1 năm việc di chuyển dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tái định cư từng bước được cải thiện, dần đi vào ổn định.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng xác định vị trí chiến lược quan trọng của Lai Châu đối với khu vực Tây Bắc cũng như với cả nước. Là tỉnh phên dậu phía bắc của tổ quốc, Lai Châu ổn định sẽ tạo thế, tạo điều kiện cho các tỉnh vùng đồng bằng, Thủ đô Hà Nội phát triển.

Ghi nhận việc Lai Châu cũng đã thực hiện tốt các chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chương trình nhà ở cho người có công, Bộ trưởng Xây dựng góp ý, với địa bàn tỉnh nhà, nhà ở xã hội không cần phải làm nhà ở chung cư mà có thể xem xét cho vay với các đối tượng cán bộ, công nhân viên đã có đất ở, cần thêm vốn để xây dựng nhà.

P.Thảo