Quy định mới về độ tuổi cán bộ được quy hoạch

Quang Phong

(Dân trí) - Theo Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ kế tiếp đó.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, cơ cấu, số lượng…

Quy định đưa ra 5 nguyên tắc, trong đó nêu rõ phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ.

Việc quy hoạch phải coi trọng chất lượng, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ; giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; giữa đánh giá với quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm; giữa nguồn cán bộ ở Trung ương với địa phương, địa bàn và lĩnh vực công tác; giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ nơi khác…

Quy định mới về độ tuổi cán bộ được quy hoạch - 1

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Ảnh: TTXVN).

Quy định cũng nêu rõ, thực hiện phương châm quy hoạch "động" và "mở". Hàng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.

Cán bộ được quy hoạch ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ kế tiếp

Theo Quy định 50, tiêu chuẩn đối với cán bộ quy hoạch, cơ bản thực hiện như tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh theo quy định hiện hành. Tại thời điểm quy hoạch, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với những cán bộ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm theo quy định.

Về độ tuổi, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.

Thời điểm tính tuổi quy hoạch đối với quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp đối với chức danh cấp ủy, lãnh đạo cấp ủy, các ban, cơ quan của Đảng, ủy ban kiểm tra là thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan Nhà nước là thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội các cấp của mỗi tổ chức.

Hệ số quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp từ 1 - 1,5 lần so với số lượng theo quy định. Mỗi chức danh quy hoạch không quá 3 cán bộ và một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh.

Quy định cũng nêu rõ, phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu 3 độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn, lĩnh vực công tác.

Theo đó, phấn đấu cơ cấu, tỉ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng: Cán bộ trẻ dưới (45 tuổi đối với Trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 15% trở lên; cán bộ nữ từ 25% trở lên; tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực; cấp huyện và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý.

Danh sách cán bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch được thông báo công khai trong cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu, cá nhân có liên quan biết, quản lý, sử dụng quy hoạch.

Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định rõ các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch. Cụ thể, là cán bộ quá tuổi quy hoạch hoặc bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên (đối với cá nhân) hoặc kết luận không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch.

Các chức danh quy hoạch gồm có Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan Đảng ở trung ương; các chức danh thuộc diện các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.

Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý đối với nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết).

Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (không bao gồm nhân sự do Bộ Chính trị quy hoạch) và các chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.

Các cấp ủy tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.