1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quỹ bảo trì đường bộ hiện đang “dôi” 1.300 tỷ đồng

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, đến hết tháng 10/2013, quỹ bảo trì đường bộ TƯ thu được hơn 5.600 tỷ đồng, mới chi hết 4.300 tỷ đồng. Nhưng dự kiến hết năm, tổng thu, tổng chi sẽ vừa khớp nhau, ở mức 6.400 tỷ đồng.

Gửi báo cáo đến Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sau 3 kỳ họp liên tiếp gần đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề cập nhiều nội dung về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ…

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, qua rà soát, đến nay Bộ đã cắt giảm được khoảng 20.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư tại một số công trình, dự án như đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Quán Hành – Quán Bánh, đoạn nam tuyến tránh Hà Tĩnh – Vũng Áng… Hiện Bộ đang tiếp tục rà soát quy mô đầu tư một số dự án khác như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Phước, cầy Mỹ Lợi và tiếp tục xem xét để cắt giảm quy mô một số công trình trong thời gian tới như cảng Lạch Huyện, cầu Việt Trì…

Công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được khái quát là đã có những chuyển biến tích cực, các dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng, phát triển nhanh được hạ tầng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao thông.
 
Quỹ bảo trì đường bộ hiện đang “dôi” 1.300 tỷ đồng
22 trạm thu phí quốc lộ đã dừng thu, 2 trạm ở Quảng Ninh được Bộ GTVT bỏ tiền mua vé cho các phương tiện.

Về thực trạng công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích, tình hình vốn ngân sách dành cho hoạt động bảo trì đường bộ rất thiếu. Ngược lại, số lượng phương tiện vận tải tăng rất nhanh, trong đó có lượng lớn xe quá khổ, quá tải làm cho nhiều cầu, đường bộ xuống cấp nghiêm trọng.

Người đứng đầu ngành khẳng định, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp để đối phó với tình hình như đổi mới phương thức phân bổ vốn, triển khai thực hiện các Đề án phân cấp duy tu, bảo dưỡng cầu đường để bảo đảm sự dụng hiệu quả nguồn vốn cho công tác bảo trì trong điều kiện ngân sách bị tiết giảm. Cụ thể, các cách thức như đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực duy tu bảo dưỡng đã được áp dụng. Bộ cũng thí điểm thực hiện hợp đồng quản lý duy tu, bảo dưỡng quốc lộ có thời hạn nhiều năm để các nhà thầu có điều kiện đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến tỏng quản lý, khai thác, bảo trì.

Về việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong 2013, việc thu quỹ bao gồm nguồn thu phí qua đầu phương tiện ô tô và ngân sách cấp bổ sung là 1.500 tỷ đồng (375 tỷ đồng/quý). Tổng thu quỹ TƯ đến ngày 31/10 năm nay đạt hơn 5.600 tỷ đồng, trong đó, thu phí trên đầu phương tiện ô tô đạt gần 4.500 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2013 sẽ đạt trên 6.400 tỷ.

Việc chi quỹ tính đến hết tháng 10, tổng số chi là 4.300 tỷ đồng. Trong đó có 3.600 tỷ cho cho quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và các nhiệm vụ liên quan (gồm việc bảo dưỡng thường xuyên 102 tuyến quốc lộ với chiều dàu 17.800km, chi sửa chữa định kỳ 904 dự án…).

Ngoài ra, 700 tỷ đồng được chi về cho các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương để thực hiện các dự án sửa chữa hư hỏng cục bộ của 201 tuyến dường địa phương.

Dự kiến tổng chi cả năm 2013 vào khoảng 6.400 tỷ đồng (tương đương khoản thu quỹ đạt được).
 
Ban đầu, Bộ GTVT thiết kế phương án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện. Tuy nhiên, sau đó phương thức thu phải xem xét lại khi dư luận lên tiếng cho là "phí chồng phí" khi qua các trạm thu phí đường bộ. Hiện Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý về phương án quy định mới. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, triển khai thực hiện các phương án xử lý dừng, xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách, xắp xếp lại các trạm thu phí BOT, trạm đã chuyển nhượng về quyền thu phí.
 
Cụ thể, hiện ngành đã dừng thu 22 trạm. Việc mua lại 2 trạm Hoàng Mai và Bãi Cháy do việc đàm phán với nhà đầu tư không đi đến thống nhất nên Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng giao Tổng Cục đường bộ thay mặt chủ phương tiện để chi tả tiền vé qua trạm cho nhà đầu tư trong quá trình thu phí còn lại của hợp đồng với mức thu hiện hành. Việc Bộ GTVT trả tiền vé này đã thực hiện từ 15/10 vừa qua.

Để hạn chế xe quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày, Bộ đã triển khai các trạm cân lưu động. Hiện ngành đã đầu tư 10 trạm cân. Hết năm 2013 sẽ đầu tư thêm 57 trạm, nâng tổng số trạm cân lên 67 trạm, từng bước hạn chế hiện tượng xe quá tải lưu thông ảnh hưởng xấu đến chất lượng cầu đường.

Bộ trưởng GTVT quả quyết, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường. Hình thức xã hội hóa được áp dụng cũng giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, cơ bản duy trì chất lượng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.
 

Bộ trưởng GTVT trình bày khó khăn khi Nghị quyết số 13, Hội nghị TƯ 4 giao mục tiêu về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa đất nước cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 rất cao (giai đoạn 2011 – 2015 cần 480.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 cần 730.000 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn ngân sách dành cho ngành GTVT năm 2011 – 2013 rất hạn chế (chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011 – 2015).

Để giải quyết vấn đề, Bộ GTVT phải xem xét cắt giảm đầu tư, đồng thời huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức BOT, PPP… Đến nay, ngành huy động được hơn 94.000 tỷ đồng. Cụ thể, các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A là 49.002 tỷ đồng, các dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 5.890 tỷ đồng, các dự án khác khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bộ GTVT cũng đã có báo cáo gửi tới Quốc hội trước đó về Đề án mở rộng Quốc lộ 1 A giai đoạn 2012 – 2020 và phương án đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Cụ thể, Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ đang triển khai được chia thành 40 dự án (17 dự án đầu tư theo hình thức BOT với 49.002 tỷ đồng tiền vốn, 23 dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ với số tiền 53.317 tỷ đồng).

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, giai đoạn 1 đã hoàn thành từ Đắc Zôn đến Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum). Giai đoạn 2 từ Tân Cảnh đến Chơn Thành (Bình Phước) được chia thành 12 dự án, trong đó 7 dự án đang được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 10.981 tủ đồng, 5 dự án đang đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức 5.890 tỷ đồng.

Các dự án này, theo Bộ trưởng GTVT, đang được triển khai quyết liệt. Hiện các dự án đều đã được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

P.Thảo