Quốc lộ 7 - "Điểm nóng" sạt lở ở Nghệ An
(Dân trí) - Nhiều tháng qua, trước tác động của mưa, bão khiến quốc lộ 7 tại Nghệ An luôn trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này.
Quốc lộ 7 với chiều dài 225 km, đi qua các huyện miền núi như: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Tương, Kỳ Sơn... (Nghệ An) với địa hình một bên núi, một bên sông, địa chất tương đối phức tạp... dẫn đến hiện tượng sạt lở suốt thời gian qua.
Trong đó, đáng chú ý là tình trạng sạt lở núi mỗi khi xuất hiện mưa lớn, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như người dân sống trong khu vực. Nhiều đoạn đường trên tuyến đường này cứ mưa là sạt lở gây ách tắc giao thông như đoạn qua dốc Chó, tại km 110+850, thuộc bản Bòng, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông.
Mới đây, núi bản Chắn, tại km 148+300, phía trái tuyến quốc lộ 7, thuộc bản Chắn, thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương) sạt trượt cao khoảng 50-60 m, kéo dài 35 m. Hay ngọn núi tại km 161+00, ở bản Lở (xã Xá Lượng, Tương Dương), xuất hiện một vết nứt lớn, tách quả núi làm 2.
Thực trạng sạt lở nêu trên luôn đặt người tham gia giao thông cũng như người dân sống xung quanh trong nỗi bất an, lo lắng.
Theo anh Hồ Văn Phương, một người dân sống ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, cứ hễ đến mùa mưa, quốc lộ 7 lại bị sạt lở rất nhiều điểm, có những điểm sạt lở cả quả núi, sụt lún taluy âm.
"Về mùa mưa, bà con sống dọc tuyến quốc lộ 7 rất bất an, cuộc sống dường như bị đảo lộn bởi tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên", anh Phương chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Việt Phương - Chi Cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ II.2 cho biết, tuyến quốc lộ 7 đi qua địa bàn các huyện nói trên đều có địa hình, địa chất tương đối phức tạp, chủ yếu là dạng đất, lẫn đá phong hóa xếp lớp và chịu ảnh hưởng hệ đứt gãy của sông cả nên thường bị sạt lở khi mưa lớn kéo dài.
Sau khi xảy ra sạt lở, Cục Quản lý đường bộ II đã có các báo cáo nhanh gửi Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Cục Quản lý đường bộ II đã chỉ đạo Chi cục quản lý đường bộ II.2 phối hợp với chính quyền địa phương cùng Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2 tiến hành xác nhận khối lượng thiệt hại và chỉ đạo Công ty cổ phần 495 (đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ) dựng barie, rào chắn đảm bảo giao thông, khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở..., đảm bảo an toàn, thông suốt.
Về vấn đề xử lý 2 "điểm nóng" nứt, sụt núi, ông Nguyễn Việt Phương cho biết, các vị trí sạt lở, sụt trượt taluy dương đã gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cần phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Phương, vị trí sụt trượt taluy dương tại km 148+300, km 161+00 đã được đơn vị tư vấn thiết kế lập phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền xin phương án khắc phục, xử lý để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến cũng như bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 7.
"Ngoài 2 "điểm nóng" sạt lở nói trên, tuyến quốc lộ 7 còn nhiều vị trí cũng thường xuyên bị sạt lở taluy dương khi có mưa lớn kéo dài như: Km 104+850, km 110+800, km 170+500, km 204+600 và sạt lở taluy âm tại km 104+900, km 158+715… Tại các điểm này nguy cơ sạt lở núi đổ xuống quốc lộ 7 cũng rất cao", ông Phương cho biết thêm.
Đối với các vị trí thường xuyên bị sạt lở Chi cục Quản lý đường bộ II.2 đã yêu cầu Công ty 495 thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn đảm bảo giao thông và cắm đầy đủ các biển cảnh báo để người và phương tiện tham gia giao thông biết để phòng tránh.
Quốc lộ 7 nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Nghệ An có điểm đầu giao nhau với quốc lộ 1A tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu và điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào, thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn). Quốc lộ 7 chạy qua các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn.