Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi
(Dân trí) - Sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 và Điều 248 của luật này có hiệu lực thi hành từ 1/4/2024.
Sáng 18/1, có 477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, 432 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 87,63%), 20 đại biểu không tán thành (4,06%) và 25 đại biểu không biểu quyết (5,07%).
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Riêng Điều 190 và Điều 248 của luật có hiệu lực thi hành từ 1/4/2024.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật quy định hiệu lực sớm đối với Điều 190 và Điều 248.
Nghị quyết số 109/2023 của Quốc hội về "tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn" cũng đã quyết nghị về việc trong năm 2024 ban hành quy định về hoạt động lấn biển.
"Trên cơ sở các quy định có hiệu lực thi hành sớm, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tương ứng bảo đảm khả thi, rõ ràng, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện", ông Thanh nói.
Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, "nhất là đối với hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, cần có quy định mang tính đồng bộ".
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
"Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến Đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình; không còn đại biểu Quốc hội nào phát biểu thêm. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả", ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.