Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và việc thi hành Hiến pháp
(Dân trí) - Phiên thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội; tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia... ở Quốc hội sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sáng 4/10, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 8. Trong tuần này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho các nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội, bên cạnh đó là các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường về một số dự án luật.
Phiên thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội; tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030... hôm nay sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Nội dung kinh tế - xã hội đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ hôm 26/10.
Trong báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ nhiều vấn đề băn khoăn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo về đột phá liên quan các dự án hạ tầng trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2021-2025, có 112 dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án kết nối vùng, liên vùng với số vốn 238.127 tỷ đồng được phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện.
Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có 7 dự án quan trọng quốc gia đang được tập trung triển khai, gồm: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TPHCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - cần Thơ - Sóc Trăng; Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
12 dự án trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Tháp, cũng đang được triển khai.
Tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức công tư từ 50% lên 70% nhằm thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đề xuất này đã được Chính phủ tiếp thu tại Luật sửa đổi 4 Luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Theo đó, Luật này tiếp tục quy định tỷ lệ vốn Nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia cao hơn, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với một số dự án.
Về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa đạt 50% theo kế hoạch Thủ tướng giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đồng thời chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Đưa ra giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ đẩy mạnh hoàn thành phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa...
Chính phủ xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Cơ quan này đề nghị có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.