1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Quốc hội giám sát liên tục dự án sân bay quốc tế Long Thành

(Dân trí) - Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, Quốc hội mới quyết định đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành với việc xây 1 đường băng và sẽ giám sát liên tục 10 năm triển khai giai đoạn 1 của dự án này.

Ngày 30/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vắng mặt do dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hưng Yên.

Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM đã thông báo đến cử tri kết quả kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa 13. Sau hơn 1 tháng, Quốc hội đã thảo luận, thông qua và ra Nghị quyết 35 văn bản luật.

Quốc hội giám sát liên tục dự án sân bay quốc tế Long Thành

Cử tri quận 4, TPHCM đề nghị Quốc hội xem xét lại các ngành điện, xăng để không tăng giá... vô tội vạ

Về dự án sân bay Long Thành, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất không có khả năng mở rộng, sân bay quân sự Biên Hòa khó có thể chuyển đổi thành sân bay dân sự. Do đó, sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2025 để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện giao thông kết nối với sân Long Thành đã hoàn thiện. Trong khoảng 20 - 30 năm nữa, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vẫn hoạt động. Sân bay Long Thành sẽ góp phần đưa đón 25 triệu lượt hành khách. Cả sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành chia nhau ra đảm bảo không để quá tải giao thông hàng không. Không phải riêng chúng ta mà hiện nay Hàn Quốc cũng có hai sân bay hoạt động song song như vậy.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng cho hay, Quốc hội mới quyết định đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành với việc xây 1 đường băng và sẽ giám sát liên tục 10 năm triển khai giai đoạn 1 của dự án này.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri của quận 4 đã bày tỏ sự hài lòng với kết quả của kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa 13. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát công tác điều hành của Chính phủ và các Bộ trưởng, trong đó có việc thực hiện các lời hứa của Bộ trưởng tại kỳ họp.

Nhiều ý kiến của cử tri quận 4 cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát ngành điện lực và xăng dầu. Đây là hai ngành chủ lực có tác động toàn diện đến thị trường và đời sống sinh hoạt của người dân.

Cử tri Ngô Quốc Thịnh (P.8, quận 4) bức xúc khi cho rằng hiện nay hàng gian, hàng giả tràn lan trên thị trường. Mọi thứ được làm giả, từ hàng rẻ đến hàng giá trị lớn. Nhiều cơ sở làm hàng “chất lượng dỏm” công khai nhưng chỉ bị phạt hành chính, chưa được xử nghiêm.

Cử tri Mã Thị Đan Phượng (P.9) cho rằng Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ nhân tài, tạo điều kiện để sinh viên du học về cống hiến cho đất nước. “Hiện nay có hiện tượng chảy máu chất xám khi sinh viên ra trường về làm cho các công ty, tập đoàn nước ngoài. Cải cách giáo dục phải được xây dựng trên thực tiễn, tránh nặng nhồi nhét kiến thức”, bà Phượng nói.

Các cử tri phát biểu tại hội nghị

Các cử tri phát biểu tại hội nghị

Trả lời cử tri về vấn đề “chảy máu chất xám”, ĐBQH Trần Du Lịch cũng cho rằng vấn đề sử dụng nhân tài vào bộ máy công chức vẫn còn chưa thông suốt.

“Tôi quan điểm chảy máu chất xám là ở nước ngoài thôi, còn làm việc ở trong nước thì dù sao vẫn là người ta trở về cống hiến cho đất nước mà. Chúng ta phải có cơ chế để làm sao hạn chế chảy máu chất xám, thu hút được những người có năng lực để đóng góp cho đất nước”, ĐBQH Trần Du Lịch nói.

ĐBQH Hoàng Hữu Phước vắng tiếp xúc cử tri vì bệnh

Trong các buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3, 4 (TPHCM) để báo cáo kết quả về kỳ họp thứ 9, Quốc hộ khóa 13, nhiều cử tri lấy làm thắc mắc khi không có sự hiện diện của ĐBQH Hoàng Hữu Phước (Đơn vị số 1, Đoàn ĐBQH TPHCM có 3 ĐBQH gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM và ông Hoàng Hữu Phước).

Sáng 30/6, ông Trần Du Lịch cho biết, ông Hoàng Hữu Phước vắng mặt các buổi tiếp xúc cử tri vì bị bệnh ngay trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra đến nay chưa khỏi.

 

Công Quang