“Quốc hội cũng chỉ là cơ quan chuyển đơn khiếu nại”
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ nhiều trăn trở về việc người dân mang đơn khiếu nại đến Quốc hội “cầu cứu” với rất nhiều kỳ vọng nhưng thực tế cơ quan dân cử cũng chỉ có thể làm việc chuyển đơn, kết quả giải quyết cũng không dễ giám sát.
Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo luật Tiếp công dân trong phiên thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 19/3, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh quy định, ở các bộ, sở không có hệ thống tiếp công dân riêng mà người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân để tránh rườm rà, lãng phí. Trụ sở tiếp công dân được thành lập ở 3 cấp hành chính: Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, trụ sở tiếp công dân của tỉnh, trụ sở tiếp công dân của huyện. Việc tiếp công dân của xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp phụ trách, có công chức kiêm nhiệm đảm nhận.
Thẩm tra dự thảo luật, UB Pháp luật có báo cáo phản biện, không thể coi trụ sở tiếp dân là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như quy định trong dự thảo Luật vì sẽ tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Do đó, luật cũng không thể quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các trụ sở tiếp công dân như đang thể hiện trong dự thảo.
Cơ quan thẩm tra cũng “phê” quy định giao trách nhiệm tiếp công dân của bộ, của sở cho thanh tra bộ, thanh tra sở phụ trách là mâu thuẫn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, các sở trong việc tiếp công dân.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị chỉ nên tập trung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, việc bố trí vị trí của trụ sở, địa điểm tiếp công dân, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân, trách nhiệm quản lý trụ sở tiếp công dân cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, địa điểm tiếp công dân...
Để tránh việc các cơ quan, tổ chức đơn vị xây dựng các trụ sở tiếp công dân nằm ngoài trụ sở làm việc của cơ quan một cách tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, dự thảo Luật cần quy định rõ các cơ quan nào thì có trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân riêng, các cơ quan nào thì tổ chức tiếp công dân ngay tại trụ sở cơ quan mình.
Chưa yên tâm với những quy định tại dự thảo luật, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phàn nàn, lần nào đi tiếp xúc cử tri cũng tái diễn cảnh một số người dân gặp oan sai mang đơn đến khiếu nại những vụ việc cụ thể.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng nêu thực tế, các đại biểu rất áp lực trước việc công dân tụ tập khiếu kiện trước trụ sở làm việc các cơ quan Quốc hội cũng như nhà riêng lãnh đạo Quốc hội. Ông Hiền đề xuất Quốc hội cũng phải có một cơ quan riêng dành để tiếp dân.
Bàn về mô hình trụ sở tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra “khiếm khuyết” khi dự thảo luật mới tập trung phác thảo về công tác tiếp công dân trong các cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Quy định như vậy sẽ là không toàn diện vì công tác tiếp công dân là công việc thường xuyên của hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Theo ông Hùng, cần thiết kế 2 loại trụ sở tiếp công dân - một là trụ sở tiếp công dân của các cơ quan đại diện như Đảng, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan dân nguyện... để nắm thông tin, giám sát và một loại trụ sở tiếp dân của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cụ thể hai mô hình này.
“Quan trọng là tiếp dân rồi có giải quyết được việc hay không, hay lại chỉ như chim đưa thư” – ông Hùng trăn trở.
Chủ tịch Quốc hội khái quát, lâu nay người dân tin tưởng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nên gặp vướng mắc gì cũng đều tìm đến. Song thực tế Quốc hội chỉ nhận đơn thư rồi chuyển đến cơ quan chức năng, sau đó kết quả giải quyết ra sao cũng khó giám sát được.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp khi tiếp nhận đơn thư của người dân là phải giải quyết vụ việc cho đến tận cùng. Với các đại biểu dân cử, tiếp công dân là để lắng nghe thông tin, thu thập thông tin để từ đó tiện cho công việc giám sát, chất vấn, thậm chí phục vụ cho khâu bỏ phiếu cán bộ. Đại biểu dân cử không có chức năng đứng ra giải quyết các vụ việc, song phải được nâng cao năng lực để đôn đốc và giúp người dân giám sát việc xử lý các khiếu nại.
P.Thảo