1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Quảng trường Ba Đình là nơi hội tụ lòng dân vào nền độc lập của đất nước"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, không gian của Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, đã trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước.

Theo tài liệu lịch sử, Quảng trường Ba Đình xưa là cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi đây còn được gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Puginier). Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp (sau này là Phủ Chủ tịch). Khu vực Quảng trường Tròn này trong một thời gian dài hầu như chẳng có gì thay đổi. Mặc dù năm 1922 và năm 1938, Phủ Toàn quyền Pháp đã có ý định quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Song không hiểu vì lý do gì mà các dự án cải tạo Quảng trường Tròn vẫn không được thực hiện. 

Quảng trường Ba Đình là nơi hội tụ lòng dân vào nền độc lập của đất nước - 1

Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vào ngày 2/9/1945. (Ảnh: Đỗ Quân).

Tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng Thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Tháng 8/1945, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc ta từ Bắc chí Nam, triệu người như một đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội sau khi tham dự mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố đã rầm rập tỏa đi các ngả, chiếm các cơ quan, công sở của Chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ kéo dài hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ đã vươn lên trở thành những người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại - Lễ Độc lập và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được chọn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, khi lựa chọn địa điểm, tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình để đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vì Bác Hồ muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà với toàn thế giới. Thông điệp ấy gửi gắm đến một thế giới đang chuyển đổi sau khi chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt và trong phần cuối của Tuyên ngôn, Bác khẳng định rằng, quyền độc lập của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được và nó phù hợp với nguyên lý của nhân loại… Tại sao Bác Hồ chọn ngày 2/9, vì đó là ngày Chủ nhật, có thể huy động được đông đảo quần chúng. Không gian của Quảng trường Ba Đình lúc đó trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước.

Trước đó, vào năm 2015, chia sẻ với  phóng viên Dân trí, bà Lê Thi (qua đời vào ngày 28/8/2020) là một trong hai người phụ nữ đã vinh dự được chọn lên lễ đài kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, cho biết, sáng ngày 2/9/1945, bà cùng với số chị em trong hội phụ nữ phố Hàng Bông đi vận động các gia đình đóng cửa hàng để đi ra Quảng trường Ba Đình. Tất cả mọi người mặc quần trắng, áo dài, đi giầy ba ta trắng. Riêng bà Thi cầm cây gậy vừa đi vừa hô "một, hai…một, hai" để cho mọi người đi đều.

Đến quảng trường Ba Đình, bà Thi thấy các đoàn thể đứng theo giới, phụ nữ, thanh niên, công nhân, viên chức… Đoàn phụ nữ Hàng Bông của bà đứng đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô. 

Khi sắp đến giờ khai mạc, người của Ban tổ chức xuống khu vực bà Thi đang đứng và bảo "các chị cử một người lên kéo cờ". Ngay lúc đó tất cả đều im lặng, khoảng một lúc sau thì nhiều phụ nữ đồng thanh hô "Thi lên đi", thế là bà Thi bước lên lễ đài làm nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc.

Bà Thi kể tiếp, bà bước lên khán đài vừa đi vừa run, vì sợ kéo không được ở dưới nhiều người sẽ trách vì đó là sự kiện trọng đại của đất nước và bà cũng không được tập trước. Khi bước tới gần lễ đài, bà Thi gặp một phụ nữ ăn mặc trang phục người Tày, sau đó hai người dắt tay nhau bước tới lễ đài. Khi bài hát Quốc ca vang lên, hai người phụ nữ này từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao, khi cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc bài hát Quốc ca kết thúc. Lúc đó bà Thi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Thi cho biết, khi vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc xong, bà lùi lại phía sau và quan sát xem trên lễ đài là ai. Đó là lần đầu tiên bà Thi được nhìn thấy Bác Hồ, bà rất bất ngờ trước phong cách giản dị của Bác.

"Lúc nhìn thấy Bác Hồ, tôi nghĩ sao Bác ăn mặc giản dị thế, Bác mặc bộ kaki trắng, đi đôi dép cao su. Bác khác hẳn với tưởng tượng của tôi, vì trong trường tôi học những ngày lễ trọng đại người ta thường mặc comple veston và đi giầy đen bóng loáng. Tôi thấy Bác giản dị quá!", bà Thi nhớ lại.

Người phụ nữ kéo cờ cho biết thêm, trước đây bà cũng đã từng tham gia kéo cờ, nhưng chưa bao giờ bà kéo cờ một cách "tử tế", vừa kéo vừa "trêu tức" đối phương. Bà Thi dí dỏm kể lại: "Khi tôi còn học tại trường Đồng Khánh, họ cũng tập hợp chúng tôi lại để kéo cờ Pháp và cờ bù nhìn thì chúng tôi kéo cái thấp, cái cao, hoặc kéo cho 2 cái tắc tị lại không lên được để trêu tức chúng, nhưng chúng không làm gì được chúng tôi. Cũng chính vì chưa bao giờ kéo cờ 1 cách tử tế nên hôm được cử tham gia kéo cờ ngày 2/9, tôi mới run, sợ kéo không thành công".