1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị xin Trung ương bố trí vốn hoàn thành 4,2 km đường tránh phía Đông

Đăng Đức

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng hoàn thành 4,2 km còn lại của đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà.

Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà (gọi tắt là Dự án), có chiều dài khoảng 22,4 km, điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại Km741+107/QL.1 và điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 tại Km763+170/QL1. Năm 2019, dự án đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 2 đoạn tuyến dài 5,02 km; còn lại khoảng 17,4 km chưa đầu tư xây dựng.

Quảng Trị xin Trung ương bố trí vốn hoàn thành 4,2 km đường tránh phía Đông - 1

Đoạn quốc lộ 1 giao với đường tránh ở phía Nam (Ảnh: Quang Giang).

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch và giao Bộ GTVT là cơ quan quyết định đầu tư dự án. 

Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đoạn tuyến từ đầu tuyến giao với quốc lộ 1 tại Km741+107/QL1 đến giao với quốc lộ 9 tại Km10+187/QL9 có chiều dài khoảng 13,2 km trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT. Còn lại đoạn tuyến dài 4,2 km từ Nam cầu sông Hiếu đến đường Nguyễn Hoàng chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện.

Qua đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai đoạn từ Nam cầu sông Hiếu đến đường Nguyễn Hoàng (dài 4,2 km/190 tỷ đồng) của dự án theo quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2023, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc đô thị để nhân dân trong khu vực sinh sống ổn định và an toàn.

Quảng Trị xin Trung ương bố trí vốn hoàn thành 4,2 km đường tránh phía Đông - 2

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở đoạn quốc lộ 1 đi qua trung tâm thành phố.

Theo văn bản UBND tỉnh, việc đầu tư xây dựng đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị nhằm phân luồng, giảm tải giao thông trên quốc lộ 1, hạn chế phương tiện lưu thông qua các trung tâm đô thị, tăng năng lực lưu thông, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.