Quảng Ninh muốn phủ sóng viễn thông toàn bộ Vịnh Hạ Long
(Dân trí) - Nhấn mạnh nếu phủ sóng viễn thông toàn bộ vịnh Hạ Long sẽ mang lại hiệu ứng tốt, song lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết việc xây dựng các trạm phát sóng tại đây đang gặp vướng mắc tại vùng lõi di sản.
Vấn đề này được nêu ra tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm tổng kết hoạt động năm 2023 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, chiều 28/12.
Đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính
Nhiều kết quả nổi bật về chuyển đổi số được báo cáo tại phiên họp, điển hình là việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá.
Ví dụ, hồi tháng 6, Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.
Chia sẻ về cách làm để phổ cập hạ tầng viễn thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đứng thứ nhất trong các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động tại địa phương là 100%.
Với việc khánh thành trạm BTS phát sóng thông tin di động tại đảo Trần, trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu, đảo Thanh Lân; xây dựng trạm phát sóng di động để phủ lõm sóng di động cho 105 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh Quảng Ninh đã không còn vùng lõm sóng di động.
Nhấn mạnh nếu phủ sóng viễn thông toàn bộ vịnh Hạ Long sẽ mang lại hiệu ứng tốt, song lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết việc xây dựng các trạm phát sóng tại đây đang gặp vướng mắc tại vùng lõi di sản theo quy định của UNESCO và quy định về chuyển đổi đất rừng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải thích rõ, một khu vực được UNESCO công nhận là di sản không có nghĩa là chúng ta phải dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh trình hồ sơ theo quy định tới cấp có thẩm quyền. "Sắp tới Chính phủ cũng sẽ phân cấp thẩm quyền chuyển đổi đất rừng như trong trường hợp này về cho địa phương", ông Quang cho biết.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng đánh giá năm 2023, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Dẫn chứng đánh giá quốc tế về chuyển đổi số, Thủ tướng cho biết Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%.
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Nhắc đến kết quả quan trọng của việc xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, Thủ tướng cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho người đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử.
Với việc đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, hơn 10 triệu dữ liệu giấy phép lái xe và gần 17 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế đã được tích hợp.
38 dịch vụ công thiết yếu được triển khai, theo Thủ tướng, giúp tiết kiệm trên 2.500 tỷ đồng mỗi năm.
4 ưu tiên phát triển kinh tế số
Nhắc đến định hướng trong năm 2024, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm mới là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Ông quán triệt phải luôn có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học, thực tiễn, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng.
"Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn là chạy theo số lượng", theo lời Thủ tướng.
4 ưu tiên chính cũng được Thủ tướng đề cập. Một là ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Hai là ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo.
Ba là ưu tiên quản trị số. Bốn là ưu tiên phát triển dữ liệu số (yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số).
"Mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống cần có vốn, lao động, tài nguyên. Chuyển sang phát triển nền kinh tế số, chúng ta phải có vốn mới, lao động mới, tài nguyên mới", Thủ tướng phân tích.