Quảng Nam: Mưa lũ, sét đánh chết 7 con bò của hộ dân đồng bào Cơtu
(Dân trí) - Chiều 8/10, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn diễn biến phức tạp. Đã có một người tử vong do dọn lụt, ngoài ra 7 con bò của một hộ dân bị sét đánh chết.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch huyện Tây Giang – cho biết, tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện miền núi biên giới vẫn hết sức căng thẳng.
Lúc 9h sáng ngày 8/10, trong cơn mưa lũ có sấm sét và đánh chết 7 con bò của hộ ông Pơloong Môi, trú thôn Dading, xã Gari, huyện Tây Giang. Rất may không có thiệt hại về người.
Theo ông Linh, từ sáng ngày 6 đến trưa ngày 7/10, trên địa bàn huyện có mưa vừa. Từ trưa ngày 7/10 đến 7h ngày 8/10, trên địa bàn huyện mưa to (lượng mưa trung bình khoảng 280mm). Từ 7h đến nay, lượng mưa giảm (mưa vừa), mực nước trên các sông suối xuống chậm.
Huyện đã di chuyển khẩn cấp 1 ngôi nhà tại xã Gari do sạt lở đất, 10 nhà tại xã Bhalêê bị ngập lụt. Tổ chức sơ tán 100 hộ gồm 385 khẩu đến nơi ở an toàn.
Hiện tại giao thông đến trung tâm huyện, từ trung tâm huyện đi các xã vùng cao bị chia cắt, trên các tuyến đường giao thông, tại các vị trí bị sạt lở do cơn bão số 5 gây ra tiếp tục sạt lở.
Cụ thể, tuyến đường Hồ Chí Minh sạt lở tại các vị trí Km438+700, Km437+200, Km433+500, Km431+750, Km430+750, Km430, Km429+200, Km427+600. Tuyến đường ĐT606 sạt lở tại các vị trí Km1+100, Km2+650, Km3+700, Km6+500, Km7+100, Km15+900, Km16+400, Km 33, Km 48.
Tại huyện Nam Trà My, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch huyện - cho hay, do mưa lớn từ ngày 6 đến nay làm cho nhà ông Hồ Văn Hoành (thôn 1, xã Trà Vân) bị sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xung kích tháo dỡ nhà và di dời đến nơi an toàn.
Còn giao thông thì tuyến đường về thôn 3 (xã Trà Mai), thôn 5 (xã Trà Cang), thôn 1 (xã Trà Tập); tuyến đường quốc lộ 40B đoạn từ địa phận xã Trà Mai đi Trà Don; tuyến đường đi thôn 2 Măng Lùng, Trà Linh sạt lở.
Cũng theo ông Mẫn, trường mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Vân; trường tiểu học làng ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân và khu bếp ăn tập thể Trường THCS Trà Vân có nguy cơ sạt lở đất.
Tại huyện Đại Lộc, chính quyền huyện đã di dời 34 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc - cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH và các địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường ĐT609B nối từ thị trấn Ái Nghĩa đi xã Đại Hiệp bị nước lũ ngập sâu kéo dài gần 500m, có đoạn nước ngập sâu khoảng 1,5m. Lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức lập rào chắn, không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, một số tuyến đường tại thị trấn Ái Nghĩa cũng bị nước ngập.
Trên địa bàn huyện Đại Lộc cũng ghi nhận một người tử vong do mưa lũ. Nạn nhân là ông ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1967, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) bị điện giật tử vong trong lúc dọn lụt.
Tại TP Hội An, nhiều tuyến phố cổ cũng ngập nước do mưa lớn từ chiều ngày 7/10 đến trưa nay 8/10 gây khó khăn cho người dân, phương tiện lưu thông.
Lúc 13h30 tại một số tuyến đường phố cổ Hội An như Bạch Đằng, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học… bị ngập sâu khoảng 0,5m gây khó khăn trong việc đi lại của người dân phố cổ Hội An. Bên cạnh đó, một số tiểu thương buôn bán ở chợ Hội An đang tranh thu dọn đồ lên vị trí cao hơn nhằm phòng nước sông Hoài đang dâng lên.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Mực nước lũ tại Hội An lúc 13h chiều nay là 1,41m dưới báo động 2: 0,9cm. Hiện tại thủy triều đang lớn cho đến tối, cho nên mực nước lũ sẽ còn cao hơn. Mọi người cần theo dõi cập nhật thông tin để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Để phòng tránh mưa lũ, TP Hội An đã tạm dừng các hoạt động phố đi bộ và bán vé tham quan phố cổ trong ngày 8/10. Hội An chỉ đạo các lực lượng triển khai tập trung công tác phòng chống bão lụt như phương án. Lưu ý nhắc nhở, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân cảnh giác với rủi ro, nhất là việc đi lại các vùng sông nước…