Quảng Nam dự chi 100 tỷ đồng bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám

(Dân trí) - Hiện trên toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 200 cá thể voọc chà vá chân xám tập trung ở các huyện phía Trung và Nam của tỉnh. Tại huyện Núi Thành hiện có đàn voọc chà vá chân xám với 50 cá thể với ít nhất 4 đàn; tỉnh Quảng Nam dự kiến chi khoảng 100 tỷ đồng để bảo vệ đàn voọc này.

Ngày 12/12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội bảo vệ động vật hoang dã (WWF), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng “Đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028”.

Quảng Nam dự chi 100 tỷ đồng bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Ảnh 1.

Hội thảo tham vấn xây dựng đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám ngày 12/12 tại Quảng Nam

 

Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế dự hội thảo và đưa ra những đề xuất nhằm bảo vệ hiệu quả đàn voọc chà vá chân xám được phát hiện tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Voọc chà vá chân xám ghi nhận phân bổ ở 5 tỉnh miền Trung gồm Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Hiện trên toàn quốc có khoảng 1.500-2.000 cá thể; trong đó các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 1.000 cá thể.

Tại Quảng Nam, hiện số lượng voọc chà vá chân xám không nhiều với khoảng 200 cá thể, tập trung chủ yếu tại khu rừng Hòn Mỏ thuộc khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, huyện Nông Sơn. Tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành hiện có khoảng 50 cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống trong 25ha rừng tự nhiên. Các cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 5ha và đang chịu áp lực tác động của người dân địa phương rất lớn và ảnh hưởng của thời tiết lạnh vào mùa mưa…

Quảng Nam dự chi 100 tỷ đồng bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Ảnh 2.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thị sát khu vực sống của đàn voọc

 

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Green Việt - cho biết, voọc chà vá chân xám được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Theo Green Việt, qua hoạt động nghiên cứu, khảo sát tại khu vực này cho thấy, đàn voọc chà vá chân xám tại huyện Núi Thành là quần thể duy nhất trên thế giới có thể dễ dàng quan sát ngoài tự nhiên.

Điều này mở ra nhiều cơ hội trong việc nghiên cứu, bảo tồn loài nhưng đây cũng là nguy cơ rất lớn đe dọa sự sinh tồn của loài động vật quý hiếm này trước nguy cơ săn bắn, hoạt động sản xuất của con người.

Để bảo tồn đàn voọc này, Sở NN&PTNT phối hợp với huyện Núi Thành và Green Việt xây dựng “Đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây” với mục phục hồi sinh cảnh sống, bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voọc chà vá châm xá tại đây.

Quảng Nam dự chi 100 tỷ đồng bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Ảnh 3.

Voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành với khoảng 50 cá thể

 

Qua đó, góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển quần thể voọc chà vá chân xám và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển tài nguyên rừng, tạo thành một điểm đến du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm cải thiện sinh kế cho người dân và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Theo đề án “Bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028” có tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó kinh phí của Nhà nước trên 63 tỷ đồng còn lại là nguồn huy động từ các tổ chức quốc tế, xã hội hóa.

Đề án đưa ra các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên khoảng 25ha còn lại trên Hòn Dồ, Hòn Ông, Hòn Dương Bông và Dương Bản Lầu. Triển khai các giải pháp làm giàu rừng, kết nối và mở rộng sinh cảnh sống trên cơ sở tạo nguồn thức ăn cho voọc nhằm tạo một sinh cảnh có diện tích và chất lượng rừng phù hợp với quần thể sinh trưởng và phát triển.

Nâng diện tích rừng và sinh cảnh sống cho voọc đạt tối thiểu khoảng 100ha đến hết năm 2018. Chi cục kiểm lâm tiến hành chuyển đổi quy hoạch từ rừng sản xuất lên rừng đặc dụng để bảo tồn loài hiệu quả hơn. Đồng thời giao khoán, quản lý, bảo vệ và phát triển các mô hình sinh kế cho người dân thôn Đồng Cổ.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho biết, tỉnh xác định phải bảo vệ nghiêm ngặt đàn voọc này trước sức ép của đô thị, sinh kế của người dân khu vực này ảnh hưởng đến nguồn sống của đàn voọc.

“Vấn đề đặt ra là làm sao phải bảo tồn nguyên vẹn đàn voọc hiện nay, đồng thời phải giữ gìn được môi trường sống, mở rộng cảnh quan sống của voọc để đảm bảo sinh trưởng ổn định và lâu dài cho đàn voọc. Đồng thời, vừa bảo vệ đàn voọc nhưng cũng phải vừa bảo vệ sinh kế cho người dân tại khu vực này”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.

Theo ông Thanh, tỉnh dự kiến phối hợp với huyện Núi Thành để mua lại các khu đất rừng của dân để phục hồi lại sinh cảnh, trồng rừng, phục hồi rừng, trồng những loại cây làm thức ăn cho đàn voọc, đảm bảo một vùng đệm an toàn hơn cho đàn voọc sinh sống.

Về số tiền 100 tỷ đồng để bảo vệ đàn voọc, ông Lê Trí Thanh cho biết, đây là phương án đưa ra của đơn vị tư vấn, còn việc xem xét thực hiện phương án như thế nào một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất với sự chung tay của cả cộng đồng, của chính quyền để tham gia bảo vệ đàn voọc. Vấn đề là chúng ta phải chọn phương án tối ưu nhất.

C.Bính