1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình: Nông dân điêu đứng vì lúa nhiễm rầy nâu

(Dân trí) - Hơn 1.000 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng,... hàng trăm ha đứng trước nguy cơ bị mất trắng đang đẩy nông dân tỉnh Quảng Bình rơi vào cảnh trắng tay do mất mùa.

Thời gian vừa qua, tình trạng sâu bệnh phá hoại mùa màng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra ngày càng phức tạp. Điều này đẩy hàng trăm nông dân rơi vào cảnh điêu đứng, nguy cơ mất mùa là điều khó tránh khỏi.

Trên các cánh đồng, rất nhiều diện tích lúa Đông - Xuân của bà con đang trong giai đoạn đầu, chính vụ và chuẩn bị cho thu hoạch bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Người dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ lúa nhưng không thể kiềm chế được sự lây lan của rầy nâu. Hàng trăm ha lúa đã bị cắt bỏ do bị hư hại nghiêm trọng.

Hàng nghìn ha lúa trên địa bàn Quảng Bình bị rầy nâu phá hoại nặng
Hàng nghìn ha lúa trên địa bàn Quảng Bình bị rầy nâu phá hoại nặng

Địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Lệ Thủy...Ước tính, số diện tích lúa bị rầy nâu phá hoại lên tới 1.000 ha.

Ông Hoàng Vinh, ở thôn Nam Sơn, (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) - địa bàn chịu ảnh hưởng mạnh của rầy nâu đang tìm cách phun thuốc trừ sâu nhằm hạn chế rầy nâu phá hoại. Gia đình ông Vinh có 5 sào lúa đang chuẩn bị thu hoạch thì đã có 4 sào bị nhiễm rầy nâu, gần 1 sào có nguy cơ mất trắng. Ông Vinh cho biết, khi lúa bắt đầu bị nhiễm rầy nâu, tôi đã tìm mua thuốc về phòng trừ. Thế nhưng, đây là lần phun thứ 3 nhưng vẫn không kiềm chế được dịch bệnh bởi rầy lây lan rất nhanh.

Ông Hoàng Vinh phun thuốc trừ sâu lần thứ 3 nhưng vẫn không kiềm chế được sự lây lan rầy nâu
Ông Hoàng Vinh phun thuốc trừ sâu lần thứ 3 nhưng vẫn không kiềm chế được sự lây lan rầy nâu

Bà Võ Thị Hòa cho hay, ngay sau khi phát hiện sâu bệnh người dân báo lên chính quyền. Ngay sau đó, đoàn cán bộ của xã, Phòng nông nghiệp huyện, Trạm khuyến nông, Bảo vệ thực vật... đã về thăm đồng để tìm nguyên nhân và hướng dẫn cách phòng trừ. Tuy nhiên, những loại thuốc do cán bộ các cơ quan này hướng dẫn mua đều không phát huy tác dụng. "Để tránh lây lan, chúng tôi đã cắt bỏ hết phần diện tích bị nhiễm sâu bệnh, số còn lại tiếp tục phun thuốc để phòng trừ. Cứ như thế này thì bà con chúng tôi phải chịu mất mùa thôi".

Dịch rầy nâu phá hoại đã đẩy hàng trăm nông dân lâm vào cảnh điêu đứng
Dịch rầy nâu phá hoại đã đẩy hàng trăm nông dân lâm vào cảnh điêu đứng

Theo ông Lê Trung Châu, Phó chủ tịch UBND xã Mai Hóa cho biết, hiện nay trên toàn xã có hơn 100 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, gần chục ha có nguy cơ mất trắng. "Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, chúng tôi đã báo lên Phòng nông nghiệp huyện và trên đã cử cán bộ xuống kiểm tra, đồng thời hướng dẫn cách phòng trừ. Cán bộ phòng Nông nghiệp khuyến cáo, bà con nên sử dụng thuốc đặc trị để phun đại trà mới có thể hạn chế được rầy nâu. Đối với những hộ dân gặp khó khăn do thiếu nhân lực, UBND xã đã cử lực lượng thanh niên, đoàn viên xuống giúp dân phun thuốc phòng trừ. Đến nay, về cơ bản rầy nâu đã được kiềm chế. Riêng một số địa bàn như Bắc Hóa, Liên Sơn, Liên Hóa,...diễn biến của sâu bệnh vẫn phức tạp"- ông Châu cho hay.

Theo thống kê của các ngành chức năng, diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tính đến nay là hơn 1.000 ha; trong đó nhiều nhất là huyện Bố Trạch 600ha, Quảng Ninh 130ha, Lệ Thủy 110ha, Quảng Trạch 80ha, TP Đồng Hới 42ha, Minh Hóa 20ha. Rầy lứa 3, mật độ phổ biến 500-700con/m2, nơi cao 2.000-3.000con/m2, cục bộ 7.000-10.000con/m2 (cháy chòm).

Đăng Đức - Đặng Tài