Quan xã tiêu hoang, nợ chồng chất lên đến hàng chục tỷ

Quá trưa, tôi tạt vào một quán hàng ở thị trấn Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội) ăn cơm. Bữa cơm gần xong, vô tình nghe lỏm câu chuyện, đại ý là chủ quán rất bức xúc việc UBND xã Đồng Thái hay tổ chức ăn uống tại quán nhưng cứ khất lần nên số nợ tăng dồn lên.


Ông Trương Văn Mạnh, kế toán trưởng ngân sách xã Đồng Thái bức xúc vì những khoản chi không có trong dự toán...

Ông Trương Văn Mạnh, kế toán trưởng ngân sách xã Đồng Thái bức xúc vì những khoản chi không có trong dự toán...

Hơn một giờ chiều, tôi có mặt ở UBND xã Đồng Thái. Lúc này, công sở còn vắng ngoe. Chờ gặp người có trách nhiệm, tôi lân la và vào phòng có người đến sớm xin ngồi nhờ.

Tại đây, tôi nghe được nhiều câu chuyện về thực trạng đời sống của người dân, nhất là những khoản nợ truyền kỳ của các thế hệ lãnh đạo xã nối tiếp nhau chồng chất lên đến hàng chục tỷ.

Nợ lương vẫn ăn, hát thả phanh...

Đồng Thái là xã nằm ở phía tây bắc huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Trong số 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo (13,1%) và 67 hộ cận nghèo (0,02%). Tính đến tháng 6/2016, dư nợ tín dụng ở hai ngân hàng trên địa bàn xã lên đến gần 34 tỷ đồng.

Thế nhưng con số đáng quan tâm là 38.024.904.610 đồng từ lần bàn giao chức danh Chủ tịch UBND xã Đồng Thái diễn ra hôm 10/7/2015. Đây là số nợ được ông Phùng Trần Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã bàn giao lại cho người kế nhiệm là ông Phùng Trần Ngọ.

Biên bản bàn giao ghi rõ đây là các khoản nợ từ năm 2014 trở về trước và 6 tháng đầu năm 2015 (có phụ lục kèm theo).

Một nhân viên ở xã chia sẻ, 38 tỷ đồng này chủ yếu là nợ xây dựng cơ bản, xây dựng NTM, ngoài ra còn 3,5 tỷ đồng là những khoản nợ mà hiện nay vẫn đang treo lơ lửng, khoanh trong sổ kế toán. Việc chi tiêu chẳng có kế hoạch, dự toán gì cả. Đáng chú ý là những khoản chi ăn uống, lễ hội, du lịch, đình đám… bị chủ nhà hàng đến làm rùm beng ở trụ sở để hỏi.

Có 3 nhà hàng mà lãnh đạo xã hay tổ chức ăn uống là Tư Lùn, Phượng Ớt và Nga Nguyên. Không chỉ ủy ban nợ mà các ban, ngành, đoàn thể cũng nợ. Dù ai nợ thì cũng nhìn vào túi ngân sách xã mà thôi. Tôi hỏi, ăn rồi có đi hát không? Vị này bảo, hát suốt. Sau mỗi sự kiện hay ăn uống xong là anh em lại kéo nhau đi hát. Chủ yếu hát ở quán TN.

Cũng theo vị nhân viên này, năm 2015 trở về trước anh em thấy tủi thân vì đến kỳ lĩnh lương mà không có tiền. Có dạo, xã nợ lương đến 3 tháng liền. Không chỉ nợ lương mà còn nợ bảo hiểm. Đặc biệt, có nhiều người được tăng lương nhưng không hề hay biết, trong đó có cả Chủ tịch HĐND xã.

Sau cuộc bàn giao Chủ tịch xã, đến tháng 9, UBND huyện cho kiểm tra tài chính tại xã Đồng Thái. Lúc này, toàn thể cán bộ, nhân viên mới tóa hỏa biết rằng, không những xã nợ lương mà còn “ém” cả bảo hiểm, chính sách nâng lương của họ. Cách làm của xã là giật gấu vá vai.

Cụ thể, UBND xã sử dụng ngân sách 2014 chi cho 2013 là 411 triệu đồng, trong đó lương + bảo hiểm 169 triệu đồng, chi thường xuyên 242 triệu đồng; sử dụng ngân sách 2015 chi trả nợ năm 2014, gồm 384 triệu đồng lương + bảo hiểm và 136 triệu đồng chi thường xuyên.

Hết năm 2014, UBND xã còn nợ 3.587.766.300 đồng, chủ yếu là nợ chi thường xuyên và các khoản thủ tục giấy tờ không đầy đủ từ năm 2014 và 2013 trở về trước.

"Nghiên cứu" gì ở Sầm Sơn, Cửa Lò?

Đưa chuyện hỏi một Phó Chủ tịch UBND xã (xin giấu tên), ông cho biết, tất cả các khoản nợ, chi tiêu cái gì, như thế nào bản thân ông và hầu hết lãnh đạo trong xã không hề hay biết. Việc này chỉ Chủ tịch và kế toán biết thôi.

Theo ông, tại các kỳ họp HĐND, UBND xã chỉ báo cáo một con số tổng thu và tổng chi ngân sách chứ đại biểu hội đồng đến lãnh đạo ủy ban không biết rõ thu, chi gì, nhất là các khoản nợ.

Không khai thác được thêm thông tin, tôi gõ cửa phòng Chủ tịch UBND xã Phùng Trần Ngọ. Mở đầu câu chuyện, tôi nhắc lại những lời nhận xét của một số cán bộ, nhân viên khi nói về ông rằng, “từ khi ông Ngọ lên làm Chủ tịch thì có 3 việc thấy rõ: Không nợ lương và bảo hiểm; không tổ chức ăn uống, chúc tụng linh đình; nợ cũ vẫn chưa có giải pháp căn cơ để thanh khoản”.

Ông Ngọ cho hay tại kỳ họp HĐND cuối tháng 6/2015, lúc đó ông là Phó Bí thư Đảng ủy được bầu làm Chủ tịch UBND xã. Nói về nợ đọng của xã, ông Ngọ buồn rầu lắm. Nhưng trước đó, trên cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy thì những khoản nợ này chính ông cũng không hề hay biết (?!)

“Quả thực, lúc tiếp quản, tôi rất lo lắng. Giải pháp lúc đó, tôi chỉ có thể đảm bảo lương và chính sách xã hội để anh em yên tâm công tác, giúp mình và phục vụ nhân dân. Còn biện pháp trả nợ thì rất bí bách vì nhìn vào nguồn thu của xã không biết bấu víu vào đâu”, ông Ngọ trần tình.

Ông Ngọ cho biết, từ khi nhậm chức đến nay, 38 tỷ đồng xây dựng cơ bản thì ngân sách nhà nước có rót cho được vài tỷ để trả, còn 3,5 tỷ đồng do người tiền nhiệm để lại đến nay mới trả được khoảng 100 triệu. “Thú thực, xã đang rất khó khăn”, ông Ngọ không nói gì thêm.

Hoàn toàn có thể chia sẻ với ông Ngọ vì hầu hết các khoản nợ này đều tồn đọng từ những năm trước, nhiệm kỳ trước cộng dồn lại. Có lẽ tìm gặp người tiền nhiệm và kế toán ngân sách xã chắc sẽ nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Biên bản bàn giao chức Chủ tịch xã thể hiện phần công nợ của UBND xã Đồng Thái
Biên bản bàn giao chức Chủ tịch xã thể hiện phần công nợ của UBND xã Đồng Thái

Ông Phùng Trần Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Thái (tại vị chưa trọn nhiệm kỳ) đã bị kỷ luật cảnh cáo, giáng chức xuống làm Trưởng Công an xã. Lúc tôi gõ cửa phòng thì ông phó trưởng công an cho biết, thủ trưởng có việc gia đình bận.

Tôi tìm gặp kế toán trưởng ngân sách xã và được giới thiệu là Trương Văn Mạnh. Mặc dù được Chủ tịch xã giới thiệu làm việc nhưng ông Mạnh vẫn giật giấy giới thiệu và Thẻ nhà báo của tôi chạy xuống văn phòng photo lưu vào sổ rồi mới bắt đầu làm việc.

Khi nhắc đến các khoản nợ, ông Mạnh tỏ ra bức xúc vì mình là cán bộ chuyên môn, tham mưu giúp việc nhưng lãnh đạo làm gì, quyết gì không ít việc ông chẳng hay biết. “Đến khi cá nhân, tổ chức phát công văn đến đòi nợ, gửi hợp đồng đề nghị thanh toán khoản này, khoản kia, tôi mới ngỡ người ra. Khó hiểu thế đấy”, ông Mạnh mở lời.

Ông Mạnh kể ra các khoản chi tiêu nằm ngoài kế hoạch, dự toán. Chẳng hạn, mới đây, Chủ tịch Ngọ chỉ đạo kế toán tìm nguồn để chi trả cho nhà hát tuồng Việt Nam số tiền 45 triệu đồng trong lần xã tổ chức lễ hội hồi đầu năm ngoái. Khi đặt bút phê duyệt chuyển trả số tiền này, cả Chủ tịch Ngọ và kế toán Mạnh rất ấm ức vì “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”.

Ông Mạnh nói đến giờ tôi và ông Ngọ chẳng biết bà Thơm làm gì ở nhà hát tuồng. Nghĩa là việc “hợp đồng” hát hò gì đó ở lễ hội do ông Anh, Chủ tịch trước đây quyết và giờ ông Ngọ phải trả nợ. Nghe đâu bà ấy gửi văn bản và điện thoại đòi nợ.

Việc thứ hai là, năm 2014, Chủ tịch Phùng Trần Anh ký hợp đồng với nhà may Anh Quân ở Sơn Tây may áo quần đồng phục cho các đại biểu HĐND xã với số tiền 61.600.000 đồng.

“Đến nay quần áo mặc đã sờn, có người quần đã đứt chỉ mà tiền vẫn chưa trả cho nhà may. Họp mấy lần tôi đề nghị trả cho người ta nhưng đến giờ cũng chẳng trả được đồng nào”, nói rồi, ông Mạnh đưa hợp động cho tôi xem.

Việc thứ ba đó là xã tiến hành “đi nghiên cứu thực tế tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và Cửa Lò, Nghệ An” hết số tiền 145.500.000 đồng đến nay nợ vẫn còn treo đó. Hỏi ông Mạnh nghiên cứu gì ở đó, ông ấy thở dài và đáp rằng, tôi không đi nên không biết. Việc nợ trên sổ sách thì tôi vẫn tổng hợp đó thôi. Cái này, tôi chịu.

Có một việc mà theo ông Mạnh là không thể chịu mãi được nữa đó là các khoản tiền ăn uống ở các nhà hàng, trong đó có nhà hàng Tư Lùn hiện xã đang nợ hơn 200.000.000 đồng. Khi phóng viên nói rằng, nợ ở nhà hàng này nhiều hơn thế, ông Mạnh bảo, con số chính xác thì phải gặp chủ nhà hàng…

Hỏi Chủ tịch xã Đồng Thái về giải pháp trả nợ, ông Phùng Trần Ngọ bảo rằng, ngoài trông chờ vào cân đối ngân sách hàng năm thì tiết kiệm chi tiêu là biện pháp trước mắt. Còn các khoản thu khác trên địa bàn thì khó khăn lắm. Xã không có doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ thương mại kém, đại bộ phận người dân SXNN.

Năm 2012, cấp trên có chủ trương quy hoạch 2ha đất tại địa phương và giao cho một đơn vị khác thực hiện GPMB, đầu tư hạ tầng rồi chia lô bán nền.

Qua mấy đợt bán đấu giá, đến nay cũng chỉ mới bán được 28 lô. Số tiền thu được may ra mới đủ kinh phí nhà đầu tư bỏ ra. Do đó, nếu họ có bán đấu giá hết thì xã mới được cấp trên điều tiết cho một ít. Xem ra đây cũng là viễn cảnh ngóng trông mà thôi…

Theo Văn Hùng

Báo Nông nghiệp Việt Nam