1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quản lý yếu kém, tiền tỉ “trôi” theo dự án

(Dân trí) - Là một doanh nghiệp được “xếp hạng” lớn nhất tỉnh Quảng Bình với 12 đơn vị trực thuộc nhưng mới qua 4 năm hoạt động, Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, gây thiệt hại tiền tỉ của Nhà nước.

Bốn năm trước, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định sát nhập các doanh - xí nghiệp nằm ở phía Bắc tỉnh. Theo đó, 12 vị bao gồm 6 lâm trường, 3 xí nghiệp và 3 Ban quản lý rừng phòng hộ đã được sát nhập và trở thành một công ty với tên gọi Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình. Đây được coi là một trong những công ty lớn nhất của tỉnh.

 

Nhưng dù mới đi vào hoạt động được 4 năm kể từ ngày sát nhập, công ty này đã liên tục làm ăn thua lỗ, với số nợ lên tới 12 tỉ đồng mà theo một nguồn tin là khó có khả năng thanh toán.

 

Một trong những nguyên nhân khiến Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình thua lỗ là do việc làm ăn kém hiệu quả của Dự án chế biến gỗ xuất khẩu Ba Đồn. 

 

Dự án này được đầu tư 14,3 tỉ đồng, trong đó nguồn vay từ Ngân hàng phát triển là 12,2 tỉ đồng; được triển khai xây dựng từ năm 2003. Nhưng kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (tháng 10/2004), Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Ba Đồn liên tục thua lỗ. Cụ thể, chỉ trong quý IV năm 2004, nhà máy lỗ 700 triệu đồng; trong cả năm 2005 lỗ 2,9 tỉ đồng. Năm 2006, con số lỗ ước tính không dưới 2 tỉ đồng.

 

Sự thua lỗ này trước hết xuất phát từ tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu cho một m3 sản phẩm quá cao. Điển hình như việc tiêu hao nguyên liệu quá mức cho phép trong quá trình sản xuất hàng mộc ngoài trời cho Công ty Scamcom (tỉnh Bình Dương) xuất khẩu. Theo định mức mà các nhà máy thuộc Scamcom thực hiện thì 1,8m3 gỗ nguyên liệu sẽ cho ra 1m3 sản phẩm. Nhưng tại Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Ba Đồn, để ra được 1m3 sản phẩm phải mất tới 2,7m3 gỗ nguyên liệu. Như vậy, cứ 1m3 gỗ sản phẩm, nhà máy chịu lỗ 4,5 triệu đồng. Riêng hợp đồng với Scamcom, nhà máy chịu lỗ tới 50 triệu đồng.

 

Mặt khác, dây chuyền sản xuất mộc ngoài trời được thiết kế 3.000 m3 sản phẩm/năm nhưng đến nay mới hoạt hoạt động được 30% công suất.

 

Một nguyên nhân khác là nhà máy đầu tư 3 dây chuyền sản xuất với quy mô lớn nhưng đến nay mới chỉ có 1 dây chuyền hoạt động, hai dây chuyền còn lại vẫn “im hơi lặng tiếng”, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguyên nhân chính dẫn đến sự thua lỗ của Công ty Lâm nghiệp Bắc Quảng Bình là trình bộ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu so với tính hiện đại của dây chuyền.

 

Khó khăn, thua lỗ của Nhà máy chế biến gỗ Ba Đồn đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình. Các chỉ tiêu như khai thác gỗ, nhựa thông, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng kinh tế đều gặp khó khăn hoặc không đạt chỉ tiêu đề ra. Hậu quả là toàn bộ 11 đơn vị trực thuộc đều phải chung chịu phần thua lỗ của Nhà máy chế biến gỗ Ba Đồn.

 

Trong những nố lực nhằm tìm kiếm các giải pháp sớm giúp Công ty Lâm nghiệp Bắc Quảng Bình vượt qua những khó khăn, mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã điều động ông Nguyễn Xuân Cuồi - một người được coi là có tài “chèo lái” doanh nghiệp vượt qua khó khăn - từ Công ty Lâm công nghiệp Long Đại về đảm nhiệm chức vụ giám đốc.

 

Sự đổi mới nhân sự này đã mang lại một vài chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau những thua lỗ ban đầu, công ty chưa thể lấy lại được niềm tin từ các bạn hàng, đó mới thực sự là khó khăg hiện tại của Bắc Quảng Bình.

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa - Minh San