"Quản lý nhà nước ở đâu để có cả đường dây đưa học sinh đi bán trinh?!"
(Dân trí) - Làm việc với các cơ quan trong chương trình giám sát tối cao về vấn nạn xâm hại trẻ em, nhắc tới vụ việc mới nhất xảy ra về một loạt nữ sinh 14-15 tuổi bị lôi kéo “bán trinh” tại Ba Vì, Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu truy vấn trách nhiệm của các cơ quan.
Cuộc làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em sáng 16/1, liên quan đến trách nhiệm quản lý của ngành đối với vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, tới thời điểm hiện nay chưa phát hiện xâm hại tình dục trong lĩnh vực du lịch.
Nêu nghi vấn về thông tin này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị Thứ trưởng rà soát, nắm lại tình hình cho chắc và đặt câu hỏi rộng hơn về vai trò quản lý của Bộ về vấn đề xây dựng gia đình, khi mà đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3% tổng số các vụ việc được phát hiện, báo cáo, bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, tình hình xâm hại trẻ em không phải là bình thường mà rất nghiêm trọng, bức xúc.
Nhắc tới vụ việc mới nhất xảy ra về một loạt nữ sinh 14-15 tuổi bị lôi kéo “bán trinh” tại Ba Vì, Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội thở dài: “Hôm qua tôi xem thời sự, còn có đường dây đưa học sinh đi làm những việc như vậy. Vậy quản lý nhà nước, quản lý học sinh thế nào? Tôi nêu ví dụ đó để thấy vấn đề không đơn giản. Tại rất nhiều cuộc làm việc, tôi vẫn nói, con số ở báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Bộ, ngành báo cáo xem hiệu quả công việc trong việc quản lý thế nào, nhất là thực hiện Luật Bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình? Nguyên nhân nào là chính dẫn đến tình trạng hiện nay?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trịnh Thị Thuỷ nói rõ hơn về vai trò quản lý gia đình của Bộ. Thực tế, khi đi giám sát, đoàn giám sát của Quốc hội thấy rõ, tỷ lệ người thân thích trong gia đình xâm hại trẻ em chiếm tỷ lệ cao, xâm hại tình dục, dâm ô, bạo lực diễn ra trong gia đình rất nhiều.
Trả lời câu hỏi đặt ra, Thứ trưởng Thuỷ cho biết, rất nhiều công việc ngành đã tiến hành, như đề xuất sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tham mưu xây dựng chương trình hành động quốc gia về nội dung này, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là vai trò gia đình trong giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng chiến lược về gia đình Việt Nam và sẽ tổng kết trong năm 2020.
Đại biểu Quốc hội từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hóa
Nói thêm về bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bà Thuỷ cho biết, Bộ Văn hóa đã cụ thể hoá quy định thành các bộ tiêu chí, có chung, có riêng để xây dựng đạo đức lối sống nâng cao giá trị truyền thống các gia đình Việt Nam, trong ứng xử của các thành viên.
Những tiêu chí này, theo bà Thuỷ rất ngắn gọn, dễ nhớ: quan hệ vợ chồng thì chung thuỷ nghĩa tình, ônh bà cha mẹ với con cháu thì gương mẫu yêu thương, con cháu với ông bà cha mẹ thì hiếu thảo lễ phép.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa nhấn mạnh, khi thực hiện thí điểm thì các địa phương rất phấn khởi, kết quả rất đáng mừng, qua 1 năm triển khai thực hiện đã có hơn 7.200 gia đình đã đăng ký thực hiện thí điểm cho thấy tác dụng của bộ tiêu chí này.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga ngắt lời: “Nếu trước tình trạng xâm hại tình dục, ông xâm hại cháu, bố xâm hại con, mà theo giáo dục thì con cái phải nghe lời bố mẹ, thương yêu cô chú, như thế thì rõ ràng trẻ em phải có kỹ năng phòng chống xâm hại trong gia đình, chứ nếu giáo dục ngược lại thì không đúng. Thực sự là chúng tôi thấy rất đau đầu trước thực tế này”.
Khẳng định sự cần thiết của phối hợp liên ngành, bà Thuỷ cho biết đã có sự phối hợp với ngành giáo dục, không thể chỉ phát huy lối ứng xử truyền thống mà phải trang bị kỹ năng ứng xử cũng như chấp hành quy định của pháp luật, trẻ em phải có kỹ năng ứng phó.
Được hỏi, có tài liệu nào cụ thể nào để trẻ em đọc rồi biết chống xâm hại tình dục không, bà Thủy trả lời, tài liệu trang bị kỹ năng cho trẻ em thì có rất nhiều và có nhiều hình thức để truyền thông.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sốt ruột: “Có bộ tiêu chí ứng xử rồi nhưng cách thức tuyên truyền đã đúng đối tượng chưa, đặc biệt là với trẻ em đã được tuyên truyền, được tập huấn chưa? Địa phương đã xác định gia đình các cháu có nguy cơ bị xâm hại để tập trung vào đó chưa?”.
Ông Lưu nêu thực tế, nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại rất nhiều lần mà không ai biết, đến khi xảy ra hậu quả như các cháu mang thai thì mới biết, như thế có thể nói phòng ngừa chưa hiệu quả.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hoá. Bởi theo ông thì việc này quá hình thức và quá tốn kém lãng phí.
Ông Bộ nhận xét Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch mới chạy theo việc ban hành văn bản, ngay như bộ tiêu chí ứng xử nói trên cũng cần phải xem lại, trong khi có nhiều quy định của pháp luật thì chưa áp dụng triệt để. 100% trường hợp xâm hại trẻ em trong gia đình là dính tới rượu bia, rất phản cảm.
Khẳng định việc trao danh hiệu gia đình văn hoá nhiều trường hợp rất phản cảm, trong làng ma tuý tràn lan vẫn gắn biển làng văn hoá, đại biểu Bộ cho biết, vừa qua ông đã từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hoá.
Đại biểu nêu quan điểm, ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất, đó là yếu tố đạo đức lâu nay bị bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế mà phải bằng công cụ quản lý.
Phương Thảo