1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bạc Liêu:

Quản lý môi trường có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm

(Dân trí) - “Việc phân cấp quản lý về môi trường thấy chưa rõ ràng, một số nơi có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, tỉnh đổ thừa huyện, huyện đổ thừa xã, rồi lại về tỉnh...”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Nhận định trên của Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam được đưa ra sau khi nghe lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) của tỉnh trả lời những bức xúc, kiến nghị của đại biểu HĐND và cử tri về công tác quản lý môi trường trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa 9, vừa diễn ra.

“Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là một thực trạng, không chỉ người dân bức xúc mà cả lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm”, bà Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh.

Đại biểu "truy" tỉnh kiểm tra không phát hiện vi phạm, Sở nói có

Đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao (Phó Ban Văn hóa - Xã Hội, HĐND tỉnh Bạc Liêu) đặt vấn đề, thời gian qua, việc nuôi tôm siêu thâm canh và các cơ sở chế biến thủy sản (chủ yếu tôm) xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đảm bảo ra ngoài làm ô nhiễm môi trường, ngành chức năng có giải pháp gì để xử lý?

Ông Lữ Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, hiện nay có 28 nhà máy chế biến thủy sản do cấp tỉnh quản lý và 61 cơ sở thu mua sơ chế thuộc thẩm quyền cấp huyện.

"Vẫn còn tồn tại một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, như hệ thống xử lý nước thải có nơi chưa vận hành thường xuyên, liên tục, dẫn đến chất lượng nước thải chưa đảm bảo theo quy chuẩn...", ông Tùng nhìn nhận thực trạng.

Theo Phó giám đốc Sở TN&MT, trong năm 2019, cơ quan chức năng đã kiểm tra đối với 20 cơ sở thu mua chế biến thủy sản, phát hiện vi phạm và xử phạt hơn 4 tỷ đồng.

Còn mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, theo ông Lữ Thanh Tùng, tỉnh đang phát triển nhanh, hiện có hơn 1.570 ao nuôi. Qua kiểm tra, có một số hộ gia đình, cá nhân chưa quan tâm chú trọng bảo bệ môi trường, như chất thải xử lý chưa đạt chuẩn, chưa triệt để khi thải ra nguồn nước mặt,... Trong năm 2019, Sở và cảnh sát môi trường kiểm tra, xử phạt 20 cơ sở trên 100 triệu đồng.

Quản lý môi trường có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm - 1

Đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao đặt vấn đề: "Đoàn của tỉnh đi kiểm tra thì không phát hiện vi phạm, còn đoàn của Bộ vào kiểm tra thì phát hiện có vi phạm".

Quản lý môi trường có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm - 2

Ông Lữ Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu: "Sở hoặc cảnh sát môi trường khi đi kiểm tra có phát hiện vi phạm". 

ĐB Trần Thị Huỳnh Dao “truy” tiếp, cấp huyện phản ánh không đủ khả năng kiểm tra các cơ sở chế biến tôm để xử phạt gây ô nhiễm môi trường. Đối với nhà máy chế biến, tỉnh đi kiểm tra thì không phát hiện vi phạm, nhưng Bộ TN&MT vào kiểm tra thì lại phát hiện vi phạm. 

Phó giám đốc Sở TN&MT lý giải: “Thực trạng bộ máy tổ chức ngành TN&MT thiếu và yếu, đặc biệt là cấp huyện. Hiện ở Phòng TN&MT chỉ có một người phụ trách môi trường nhưng làm tất tần tật việc khác. Ở cấp xã thì cán bộ địa chính thay đổi liên tục, mà đa số môi trường lại phát sinh từ cơ sở nên rất khó khăn”.

Còn việc kiểm tra, ông Lữ Thanh Tùng phân trần: “Sở hoặc Cảnh sát môi trường khi đi kiểm tra là có phát hiện vi phạm, nói không có là không được, như năm 2019 đã xử lý trên 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ TN&MT làm rốt ráo nhiều chuyện. Còn đối với Sở trong quá trình đi kiểm tra, phát hiện chủ yếu xử phạt xả thải là chính, còn lỗi về cơ chế chính sách thì có thể mình chỉ nhắc nhở”.

Nêu giải pháp thời gian tới các vấn đề trên, ông Lữ Thanh Tùng cho biết, Sở sẽ tham mưu Ủy ban tỉnh phân cấp rạch ròi trách nhiệm để xử lý; tiếp tục tăng cường tuyên truyền; thanh, kiểm tra kiên quyết xử lý đúng quy định các hành vi vi phạm về môi trường...

Tăng cường xử lý nghiêm vi phạm

Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu - bà Lê Thị Ái Nam cho rằng, qua chất vấn ngành TN&MT cho thấy, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Việc thanh, kiểm tra xử phạt có tăng cường hơn nhưng chưa đủ sức răn đe, có một số trường hợp vi phạm không phát hiện kịp thời, nên dẫn đến đôi khi người dân rất bức xúc.

"Việc phân cấp quản lý tôi thấy chưa rõ ràng, một số nơi có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, tỉnh đổ thừa huyện, huyện đổ thừa xã, rồi lại về tỉnh. Do đó, tôi đề nghị UBND tỉnh cần phải có giải pháp hiệu quả, chặt chẽ hơn", bà Lê Thị Ái Nam nói.

Quản lý môi trường có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm - 3

Bà Lê Thị Ái Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước liên quan nuôi tôm công nghệ cao, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, nếu không có giải pháp quản lý tốt thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên.

“Ủy ban tỉnh đã có quyết định rõ ràng rồi, đề nghị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân, nếu như nuôi tôm công nghệ cao thì dứt khoát phải chấp hành quy trình xử lý nước để chống ô nhiễm”, bà Ái Nam yêu cầu.

Với các công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản, bà Lê Thị Ái Nam đề nghị ngành TN&MT cố gắng vận động hướng dẫn tăng số lượng công khai xả thải để ngành chức năng và người dân theo dõi, giám sát, để làm sao không có việc xả thải ban đêm, hoặc tranh thủ không có ngành chức năng thì xả thải làm ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu chốt lại: “HĐND tỉnh cũng rất mong Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cử tri, người dân tăng cường giám sát, nếu như phát hiện trường hợp nào vi phạm về môi tường thì đề nghị phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời”.

Huỳnh Hải