1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quân đội có thể có 3 Đại tướng

(Dân trí) - Theo Luật Sĩ quan QĐND sửa đổi, bổ sung một số điều vừa được đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, cấp bậc quân hàm cao nhất - Đại tướng được áp dụng ở 3 vị trí: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Tại phiên thảo luận về dự luật này, ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (theo nguyên tắc chung, cấp trưởng mang quân hàm cao hơn cấp phó 1 bậc).

Kết quả biểu quyết Luật Sĩ quan QĐND sửa đổi, bổ sung một số điều
Kết quả biểu quyết Luật Sĩ quan QĐND sửa đổi, bổ sung một số điều

Giải trình nội dung này UB Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổng Tham mưu trưởng Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nội dung này được giữ nguyên và được Quốc hội nhất trí thông qua.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến cho rằng, hiện nay số lượng sĩ quan cấp Tướng nhiều nên đề nghị cần rà soát để quy định cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Cũng có ý kiến đề nghị đối với doanh nghiệp hay cơ quan chuyên môn đơn vị sự nghiệp có chức năng dịch vụ công, không nên nêu tên cụ thể mà quy định tiêu chí để xác định nhu cầu cấp Tướng. Cũng có một số ý kiến đề nghị không quy định trần quân hàm cấp Tướng đối với các chức vụ trên mà chỉ quy định cấp Đại tá là phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với các Binh đoàn Quốc phòng - Kinh tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội là doanh nghiệp lớn của quân đội có nhiệm vụ kết hợp quốc phòng và kinh tế, trong đó có các đơn vị dự bị động viên làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, do vậy Ủy ban đề nghị quy định trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Nhiều ý kiến cũng không đồng ý với quy định Tư Lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm Trung tướng và đề nghị chỉ quy định ở trần Thiếu tướng để không mâu thuẫn với mức quân hàm áp dụng cho Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 7 - cũng là Trung tướng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của Quân đội và Công an ở địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) phải bằng nhau là một chủ trương đúng của Đảng, theo đó Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo quy định tại Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.

Tại phiên họp trước đó, đa số đại biểu đồng ý với trần quân hàm của Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp và đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra.

Quang Phong