"Quần đảo Trường Sa" trên đất Nghệ
(Dân trí) - 21 viên đá san hô tượng trưng cho 21 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Một quần đảo Trường Sa thu nhỏ hiện diện ngay trong lòng thành phố Vinh như thể Trường Sa luôn bên cạnh nhân dân xứ Nghệ.
Trong quần thể khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (đường Đào Tấn, Tp Vinh, Nghệ An), khu vực trưng bày 21 viên đá san hô khiêm tốn chiếm diện tích nhỏ. Vậy nhưng, hàng ngày, điểm trưng bày này thu hút nhiều người đến xem, trong đó, nhiều hơn cả vẫn là các cựu chiến binh và các em học sinh, sinh viên trên địa bàn Tp Vinh (Nghệ An).
Ông Nguyễn Đức Kiếm – Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh - cho biết: “21 viên đá san hô này là quà của Quân chủng Hải quân và quân, dân huyện đảo Trường Sa gửi tặng Đảng bộ và nhân dân Nghệ An hồi tháng 5/2010. 21 viên san hô được lựa chọn từ 21 đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tất cả các viên đá san hô này đều được gắn bia chủ quyền, xác định quyền chủ quyền của Việt Nam”.
21 viên đá san hô, mỗi viên đá mỗi hình dáng khác nhau. Trước mỗi viên đá đều được gắn bia bằng gạch granit đỏ, trên bia khắc hình cột mốc với cờ đỏ sao vàng, trống đồng, tên nước, vĩ độ, kinh độ và tên riêng của từng hòn đảo. Chỉ trong một diện tích vẻn vẹn khoảng 30m3 là Trường Sa, là Len Đao, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Thị, Đá Lớn, Núi Le, Tiên Nữ, Đông A, Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Đá Lát, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Đá Nam, Sơn Ca, Tốc An A, Phan Vinh, Thuyền Chài A, An Bang, Cô Lin.
Các viên đá san hô gắn bia chủ quyền được bố trí thành 3 cụm đảo, bao bọc xung quanh là những cứ liệu lịch sử xác định chủ quyền của Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa này. Ở góc bên trái của gian trưng bày tái hiện cuộc chiến đấu giữ đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 64 người lính đã ngã xuống, lấy máu mình tô thắm lá cờ của quân chủng Hải quân. Trong 64 người con đã ngã xuống trong trận chiến năm ấy, có 8 người con của quê hương Nghệ An.
Em Trương Khánh Duy – SV Trường ĐH Kinh tế Nghệ An chia sẻ: “Em chưa một lần được ra Trường Sa nhưng tham quan khu trưng bày này thấy như Trường Sa đang ở rất gần. Sóng gió Trường Sa bào mòn từng viên đá nhưng không thể làm lung lay ý chí và quyết tâm bám đảo, bảo vệ chủ quyền của người lính hải quân. Bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng hải quân mà chúng em tự thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước, với Tổ quốc và sẵn sàng ra nơi đầu sóng ngọn gió nếu Tổ quốc cần”.
Trao đổi với chúng tôi về mục đích trưng bày những viên đá san hô gắn bia chủ quyền này, ông Nguyễn Đức Kiếm cho biết: “Chúng tôi nhận những viên đá chủ quyền của Quân chủng Hải quân, của quân và dân huyện đảo Trường Sa là tiếp nhận tình cảm và sự tin tưởng của nơi tuyến đầu đối với hậu phương. Việc trưng bày các viên đá xác định chủ quyền Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhằm tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về chủ quyền quần đảo Trường Sa, về cuộc sống, chiến đấu bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sỹ hải quân và cuộc sống lao động, sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Qua đó, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, tình cảm gắn bó giữa Quân chủng Hải quan với Đảng bộ, chính quyền và nhân Nghệ An, tăng cường sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An với quân và dân huyện đảo Trường Sa. Nghệ An vinh dự là một trong 8 tỉnh, thành của cả nước được nhận và trưng bày các viên đá chủ quyền này”.
Hoàng Lam