Vĩnh Long:
Quán cơm chay miễn phí ấm lòng người dân và học trò nghèo
(Dân trí) - 6 ngày trong tuần khoảng 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa hàng ngày tại quán cơm chay từ thiện Ngọc Nhẫn (Phường 8, TP Vĩnh Long) mở cửa phục vụ hàng trăm suất cơm chay miễn phí cho những lao động nghèo, như bán vé số, phụ hồ, học sinh… suốt 3 năm nay.
No lòng người nghèo
Quán cơm chay Ngọc Nhẫn có diện tích khoảng 24m2 nhưng đặt được 10 chiếc bàn, sẵn sàng phục vụ cho cả 100 khách. Tuy là bữa cơm chay nhưng mỗi ngày đều có đủ 5 món, gồm: món canh, chiên, kho, dưa chua, món xào. Theo ghi nhận của PV Dân trí “khách” đến ăn cơm chủ yếu là dân lao động nghèo như: bán vé số, chạy xe ôm, công nhân lao động đến các bạn sinh viên, học sinh,…
Chị Lê Thúy Hường - bếp trưởng quán cơm chay cho biết: “Trước đây làm từng mở quán ăn nhưng trong một lần đến Tịnh xã Ngọc Nhẫn (huyện Vũng Liêm) để tịnh tâm, tôi sư Thích Ngọc Nhẫn bày tỏ tâm nguyện muốn mở quán cơm từ thiện, phục vụ cơm chay miễn phí cho người nghèo nhưng không có người “thổi lửa”. Thấy ý tưởng sư hay, tôi đồng ý giúp sư nấu ăn cho quán cơm gần 3 năm.”
Từ khi có quán cơm chay miễn phí này, mỗi tháng ông Đẹt tiết kiệm gần 600 ngàn đồng
Theo chị Hường, quán mở cửa phục vụ từ thứ 2 đến thứ 6, do tài chính và nhân lực chưa đủ mạnh nên quán chỉ phục vụ cơm trưa, từ 10 – 12 giờ trưa mỗi ngày. Trung bình, 1 ngày có khoảng 50 -70 lượt khách đến ăn cơm, riêng ngày rằm có đến cả 100 người. Ông Phạm Văn Đẹt – chạy xe ôm là khách quen của quán vui vẻ cho biết: “Một bữa cơm trưa bên ngoài bây giờ cũng hơn 15.000 đồng, tuy số tiền không lớn nhưng với những người lao động nghèo như chúng tôi thì có ý nghĩa lắm, nhất là những hôm ế khách.”
Ở đây, nhóm phục vụ tại quán cơm chay miễn phí có 3 người rất thân thiện, làm việc tự nguyện. Đó là các chị Nguyễn Thúy Hường, Nguyễn Hồng Hoa, Trương Thị Khánh Ly là những phật tử có mặt từ lúc quán mới khai trương cho đến nay. Ngoài ra, một số học sinh trường THPT Nguyễn Thông cũng thường xuyên đến đây phụ dọn dẹp, rửa chén. Chị Hồng Hoa kể, nhiều khi học sinh ra trễ, hết cơm, anh chị em phục vụ nhường luôn phần cơm trưa của mình cho các em.
Trò nghèo cũng đầy bụng
Sư Thích Ngọc Nhẫn – Trụ trì tịnh xá cho biết, tâm niệm mở quán cơm từ thiện của sư đã nảy sinh gần 20 năm nay, nhưng đếnn nay mới làm được. Sư kể: “Lúc trước tôi đi khất thực ở nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn của người lao động nghèo. Về nhà tôi trằn trọc, làm cách nào để người nghèo yên tâm làm việc mà không lo đến miếng ăn hằng ngày nên tôi nảy ra ý tưởng mở quán cơm chay từ thiện. Nhưng lúc đó tịnh xá còn khó khăn, cộng thêm không tìm được người thật sự có lòng từ tâm cùng tôi làm nên ý tưởng đó chưa thực hiện được. Một hôm, cô Như Thủy ghé thăm tịnh xá, thấy cô có duyên với Phật tôi liền trao đổi suy nghĩ của mình về quán cơm miễn phí. Cô ấy chấp nhận liền mà không một chút đắn đo”. Thế là tháng 7/2011, quán cơm chay từ thiện Ngọc Nhẫn ra đời và hoạt động cho đến nay.”
Sư Nhẫn cho biết thêm, lúc đầu, ra chợ thấy sư mua rau, các tiểu thương đều giảm giá 30% so với khách bình thường. Dần dần biết sư mua rau để phục vụ cho quán cơm từ thiện, bà con ngoài chợ chỉ cho mà không lấy tiền. Bây giờ, hằng ngày có người đem rau quả đến tận quán, cùng góp chung nồi cơm giúp đỡ bà con nghèo.
Nhiều em học sinh nghèo, nhà xa cũng no lòng nhờ quán cơm cháy Ngọc Nhẫn này
Lúc đầu, mỗi ngày quán cơm có khoảng 20 người đến ăn, dần dần nhiều người biết đến nên quán ngày càng đông hơn. Tuy có một số Phật tử ở chợ, doanh nghiệp,… ủng hộ gạo và rau củ để duy trì và mở rộng thêm thì Tịnh Xá còn nhiều khó khăn. Vì mọi chi phí chủ yếu dựa vào tiền cúng dường của Phật tử đến tịnh xá và tiền bán vật phẩm, quần áo Phật tử may sẵn tại quán.
Em Nguyễn Văn Thanh lớp 12A10 trường THPT Nguyễn Thông cho biết: “Là năm cuối cấp nên tụi em thương xuyên học ngày 2 buổi. Nhà em tận cù lao An Bình nên buổi trưa em không về nhà kịp. Nhờ có quán cơm chay này mà em tiết kiệm được chi phí, để dành tiền mua dụng cụ học tập, gia đình cũng an tâm khi biết em ăn cơm ở đây. Em hi vọng quán cơm này tồn tại mãi, để những năm sau, những học trò nghèo nhà xa như em sẽ no lòng khi đến trường, yên tâm học tập”.
Trước khi chúng tôi ra về, Sư Ngọc Nhẫn chia sẻ: “Tôi hi vọng quán tồn tại mãi mãi dù khi tôi đã mất, đặc biệt phục vụ được hai bữa cơm/ngày cho bà con lao động khó khăn. Hiện nay do điều kiện hạn chế, mỗi ngày quán chỉ phục vụ được đến trưa là hết cơm và thức ăn”.
Nguyễn Hành