1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quần áo cứu trợ thành... giẻ lau: Bài học lớn về tiếp nhận cứu trợ

(Dân trí) - Xung quanh vụ quần áo cứu trợ biến thành... giẻ lau, PV Dân trí đã trao đổi của ông Nguyễn Quang Hạnh - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh và bà Bùi Thị Mai, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Nghệ An về vấn đề này.

Quần áo cứu trợ thành... giẻ lau: Bài học lớn về tiếp nhận cứu trợ - 1
Ông Nguyễn Quang Hạnh trao đổi với PV Dân trí

"Hội Chữ thập đỏ phải chịu trách nhiệm về việc này"

Thưa ông, quy trình tiếp nhận hàng cứu trợ của các tổ chức, ban ngành, cá nhân... ủng hộ tới đồng bào bị lũ lụt qua UBMTTQ tỉnh Nghệ An như thế nào?

Theo Nghị định 64 của Chính phủ về tiếp nhận và phân phát hàng cứu trợ thì có 2 nơi tiếp nhận gồm: Ban cứu trợ của UBMTTQ tỉnh và Hội chữ thập đỏ tỉnh. Theo đó, sau khi tiếp nhận cứu trợ của các tổ chức, cá nhân bằng hiện vật như quần áo, mì tôm, nước uống... 2 đơn vị này có nhiệm vụ phân bổ đến các huyện được nhận hỗ trợ.

Riêng về phần tiền ủng hộ thì có 2 dạng tiếp nhận là: tiếp nhận bằng cách các tổ chức, cá nhân... ủng hộ trực tiếp tại UBMTTQ tỉnh và Hội chữ thập đỏ. Thứ hai, là chuyển khoản đến 2 tổ chức này. Với số tiền nhận được, chúng tôi làm công văn xin ý kiến UBND tỉnh Nghệ An và chuyển tới bà con bị thiệt hại nặng sau lũ lụt. Hiện tại MTTQ tỉnh đã tiếp nhận gần 27 tỷ đồng tiền mặt (ủng hộ trực tiếp hoặc chuyển khoản) và một khối lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm với giá trị gần 15 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ người dân Nghệ An bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử vừa qua.

Vậy việc phân bổ hàng cứu trợ tới người dân liệu có đảm bảo và đúng quy định, thưa ông?

Chúng tôi căn cứ vào Nghị định 64 để có văn bản hướng dẫn các huyện thực hiện công tác cứu trợ. Sau khi MTTQ nhận được hàng cứu trợ thì các huyện sẽ cho xe đến chở về. Các huyện phải thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ để thực hiện việc phân bổ hàng hóa đến người dân. Nếu để xảy ra sai phạm trong việc phân phát hàng cứu trợ thì chính quyền địa phương và Ban tiếp nhận phải chịu trách nhiệm. Trong lịch sử đã có một phó chủ tịch xã bị cách chức vì có sai phạm trong việc này.

Riêng về tiền cứu trợ của các cá nhân, tổ chức về đến trụ sở MTTQ chúng tôi sẽ tiến hành tổng hợp và làm công văn xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc phân bổ hỗ trợ cho từng địa phương. Hiện nay tỉnh ủy chưa trả lời công văn này, chúng tôi vẫn đang chờ.
 
Quần áo cứu trợ thành... giẻ lau: Bài học lớn về tiếp nhận cứu trợ - 2
Hàng triệu độc giả phẫn nộ về chuyện quần áo cứu trợ bị biến thành giẻ lau

Mỗi cấp tự chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo để hàng cứu trợ đến tận tay và đúng đối tượng. MTTQ tỉnh đã hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương. Tuy nhiên chúng tôi khuyến khích các cơ quan đơn vị phát hàng cứu trợ cho người dân để tránh các khâu trung gian gây thất thoát, bớt xén. Chuyện này đã có bài học rồi.

Kinh phí vận chuyển hàng cứu trợ do nguồn nào cấp thưa ông?

Ngân sách của huyện chi trả cho chi phí vận chuyển và hoạt động cứu trợ trên cơ sở Ban tiếp nhận phải lập dự toán kinh phí dự trù. Các đoàn cứu trợ cấp tỉnh thì UBND tỉnh cấp kinh phí. Tất cả các điều này đều thực hiện theo Nghị định 64 của Chính phủ.

Quần áo cứu trợ thành... giẻ lau: Bài học lớn về tiếp nhận cứu trợ - 3
"Đây là một bài học lớn trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ"

Ông có ý kiến gì về sự việc đã xảy ra ở Hội Chữ thập đỏ Nghệ An?

Chị Mai (bà Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An) có phản ánh với tôi là quần áo nhiều, rất cũ không biết bỏ vào đâu. Tôi nói với chị ấy là phải đưa về kho và phân bổ cho các địa phương. Nếu các địa phương từ chối không nhận vì bất kỳ lý do gì thì phải lập biên bản xử lý, việc lập biên bản xử lý phải có hội đồng hẳn hoi.

Khi sự việc đã xảy ra tại Hội Chữ thập đỏ thì chị Mai phải chịu trách nhiệm. Mặt trận không có chức năng thẩm quyền để kiểm tra xử lý sự việc này. Cá nhân tôi không có bình luận gì thêm. Theo tôi được biết thì hiện nay tỉnh ủy đã giao cho cơ quan chức năng xem xét sai phạm đến đâu tỉnh sẽ xử lý đến đó.

Đây cũng là bài học cho chúng tôi trong công tác chỉ đạo đối với các huyện làm sao tránh không để xảy ra những hiện tượng như vậy. Đặc biệt là đảm bảo số tiền và số hàng sau khi mình nhận của các cơ quan đơn vị đến được tay đối tượng bị thiệt hại trong đợt lũ vừa rồi, thực sự giúp họ vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, sản xuất.

"Chúng tôi không bán quần áo cứu trợ!"

Ngay trong sáng 4/11 chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội CTĐ Nghệ An. Bà Mai cho biết, thời điểm dỡ hàng từ trên tàu xuống có 5 cán bộ của Hội tham gia. Sau khi kiểm tra thấy quần áo cứu trợ quá cũ, chị Võ Thị Nguyệt - cán bộ của Hội - đã gọi về thông báo cho bà Mai.

"Tôi chỉ đạo chị Nguyệt thuê xe để chở về kho của Hội nhưng do hàng hóa quá nhiều không thể cất hết vào trong kho. Lúc đó tôi gọi điện cho anh Hồ Hữu Dân - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí ô tô Nghệ An - xin để nhờ vào kho của công ty vì trước đây chúng tôi đã nhiều lần nhờ kho của công ty để cất hàng hóa. Biết là hàng cứu trợ nên phía công ty cũng không lấy tiền kho bãi và hỗ trợ một chiếc ô tô để chở số quần áo kia về kho và hứa sẽ cho Đoàn thanh niên của công ty tham gia phân loại quần áo trước khi đưa đi cứu trợ.

Quần áo cứu trợ thành... giẻ lau: Bài học lớn về tiếp nhận cứu trợ - 4
Bà Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An: "Chúng tôi không bán quần áo cứu trợ!"

Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển lên xe ô tô thì có 3 người, sau này tôi mới biết là người nhà của anh Hường - cán bộ của Hội - đến. 3 người này hỏi số quần áo kia để làm gì. Thấy họ khiêng mấy bì quần áo đi thì cán bộ của Hội tưởng đó là người của Công ty cơ khí khiêng giúp.

Chỉ đến khi có người báo là quần áo cứu trợ bị chuyển về làm giẻ lau trong ga ra ô tô tôi mới biết vì hôm đó tôi bận họp Thường vụ hội nên không có mặt. Tôi khẳng định là chúng tôi không bán quần áo cứu trợ để làm giẻ lau mà do gửi quần áo vào kho của Công ty cổ phần cơ khí ô tô Nghệ An nên mọi người đã hiểu nhầm. Còn việc để cho người ngoài lấy 37 bì quần áo thì đúng thật là nằm ngoài tầm kiểm soát của cán bộ Hội có mặt lúc đó vì người quá đông trong khi hàng hóa lại để rất lộn xộn", bà Mai cho hay.

"Tôi cũng không ngờ sự việc lại diễn biến trầm trọng như vậy. Cũng tại tôi quá sơ suất khi chưa xin ý kiến chỉ đạo của UBND trong việc không có kho để chứa, tôi sẽ rút kinh nghiệm về việc này" - bà Mai nói thêm - "Nói thật với anh là quần áo cũ quá, nếu có cho phía công ty cũng không nhận nói gì đến bán".

Quần áo cứu trợ thành... giẻ lau: Bài học lớn về tiếp nhận cứu trợ - 5
Văn bản của Công ty cổ phần cơ khí ô tô Nghệ An gửi đến Hội CTĐ vào ngày 3/11.
 
Một diễn biến khác liên quan: Sau khi vụ việc quần áo cứu trợ dân vùng lũ biến thành giẻ lau bị báo chí phanh phui, chiều 3/11, phía Công ty cổ phần cơ khí ô tô Nghệ An có công văn gửi đến Hội Chữ thập đỏ nhận lỗi về mình.

Văn bản của Công ty cổ phần cơ khí ô tô Nghệ An ghi rõ: "... trong quá trình bốc xếp vận chuyển về kho thấy quần áo trong các bì đã quá cũ nát và mốc có mùi hôi thối nên 3 xưởng ô tô của anh Cần, anh Bường và anh Vinh (cũng trong ngành sữa chữa ô tô và là cháu của anh Hường Chữ thập đỏ) đã xin đem về lau xe. Do anh em không biết nên đã đồng ý cho các xưởng đó lấy đem về ga ra ô tô. Xưởng anh Cần 20 bì, xưởng anh Vinh 10 bì, xưởng anh Bương 7 bì.

Sau khi phát hiện sự việc, công ty đã thu lại và yêu cầu Hội cho người đến phối hợp với Đoàn thanh niên phân loại quần áo cũ (Đoàn thanh niên công ty nhận làm nhân đạo không tính công). Sau khi phân loại xong số hàng dùng được chúng tôi sẽ chuyển về Hội CTĐ (chúng tôi làm từ thiện để góp phần giúp đồng bào miền Trung). Số hàng rách nát không thể sử dụng được đề nghị Hội CTĐ cho công ty để lại kho dùng lau chùi xe ô tô cho các xưởng".

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết: "Hiện tỉnh giao cho Hội chữ thập đỏ báo cáo cụ thể sự việc này. Theo đó, tỉnh cũng giao cho mặt trận (UBMTTQ tỉnh) kiểm tra, nếu vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm".  
 
Tuệ Anh - Quang Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm