Quá tải kiện cáo, gia tăng tội phạm vì "sốt" đất
(Dân trí) - Chỉ trong vòng một năm, giá đất ở vùng nông thôn tăng phi mã khiến nhiều địa phương đối diện nguy cơ mất an ninh trật tự khi liên tục xảy ra các vụ tranh chấp đất.
Quá tải đơn thư tranh chấp đất
Mới đây, ông P.V.C. (bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã có đơn trình báo UBND xã khi bất ngờ bị nhóm người lạ mặt tới uy hiếp và dựng hàng rào xung quanh đất của gia đình.
Sự việc có dấu hiệu phức tạp khi hai bên có lời qua, tiếng lại và sẵn sàng tấn công nhau bằng hung khí.
Theo đơn trình báo, ông C. cho biết gia đình ông là chủ sử dụng thửa đất đã được UBND huyện Đắk Song cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 2009. Thế nhưng ngày 24/4 vừa qua, nhóm người lạ mặt bất ngờ đến dựng rào với ý định chiếm đất của gia đình ông.
"Khoảng 8h ngày 24/4, một nhóm 10 nam thanh niên cùng với các loại công cụ, vũ khí tụ tập phía ngoài đường gần cổng nhà tôi. Sau đó nhóm thanh niên xông vào phần đất của gia đình, dùng khoan lỗ, trồng trụ bê tông rồi rào dây kẽm gai", trích đơn của ông C.
Ông C. cùng nhiều người dân ngăn cản nhưng nhóm người này cho biết, phần đất đang dựng rào chắn đã được nhóm này mua lại từ người hàng xóm của ông C.
Theo ông Phạm Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N'Jang, gia đình ông C. là một trong số rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp. Chỉ trong vòng tuần đầu tiên của tháng 5 này, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 10 đơn thư có nội dung giải quyết tranh chấp đất đai. Tình trạng này kéo dài và có xu hướng gia tăng khi thị trường bất động sản của xã có nhiều biến động.
Gia tăng tội phạm vì "sốt" đất
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N'Jang, phần lớn các nhà đầu tư đều từ các tỉnh phía Nam đến mua đất xây dựng công trình.
So với thời điểm đầu năm 2020, giá đất tại địa phương này đã tăng 3- 4 lần, thậm chí là 5 lần nếu vị thế đẹp và có "view" hồ. Không chỉ gây ra tình trạng "sốt" đất, việc mua bán, sang nhượng đất đai còn dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến địa phương này "rất căng thẳng và mệt mỏi".
Dẫn chứng về việc này, ông Nam cho hay, chỉ từ đầu năm tới nay, việc các nhà đầu tư tìm mua những diện tích đất có hồ, suối tự nhiên hoặc nhiều cây cối đã dẫn tới tình trạng ngang nhiên mua bán đất do nhà nước quản lý.
Ngay tại bản Đắk Lép, đã có rất nhiều giao dịch mua bán bằng giấy viết tay, không được chính quyền địa phương công nhận. Bên cạnh đó là rất nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài giữa các hộ dân vì giành nhau từng khúc sông, đoạn suối chảy qua đất.
Tương tự, tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô), tình trạng sốt đất đã dẫn tới việc một số hộ dân lén lút dựng nhà, rao bán đất do nhà nước quản lý. Phần lớn là đất có "view"... hang động núi lửa; việc mua bán không thông qua chính quyền địa phương.
Tình trạng lấn chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép đất lâm nghiệp diễn ra trong thời gian dài, nhưng nóng nhất là từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay.
UBND huyện Krông Nô đã yêu cầu người dân tự tháo dỡ các công trình sai phạm, đồng thời ngăn chặn các hành vi mua bán, sang nhượng đất trái phép. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này vẫn còn diễn ra âm ỉ khi một số người từ nơi khác tìm đến xã Buôn Chóah "săn" đất.
Đầu tháng 5, Công an xã Đắk Hòa (Đắk Song) phát hiện đối tượng Đoàn Xuân Kết (SN 1989, trú tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil) cùng một nhóm người có hành vi hủy hoại tài sản, nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng "sốt" đất.
Theo điều tra ban đầu, ngày 23/3, nhóm đối tượng do Đoàn Xuân Kết cầm đầu đã đến rẫy của anh Nguyễn S.T. (thôn Tân Bình, xã Đắk Hòa) châm lửa đốt nhà rẫy, chặt phá một số cây trồng. Mục đích nhằm uy hiếp anh T. phải bán rẫy theo giá mà các đối tượng đưa ra.
Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa cho biết: "Công an xã Đắk Hòa đã bàn giao đối tượng cho Công an huyện Đắk Song tiếp tục điều tra xử lý. Bên cạnh đó, địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giao dịch mua bán theo đúng quy định của pháp luật".