1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quả cam của ông Thứ trưởng

Giữa rừng đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc về thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay, tổ chức ở Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ, tiết lộ về quả cam đang được ông lưu giữ.

40 ngày kể từ bữa tiệc đến hôm hội thảo tuần trước, cam vẫn tươi cả vỏ lẫn cuống. Ông hỏi cử tọa đó là cam gì mà lâu hỏng vậy?

Chưa bao giờ chúng ta đứng trước tình thế hầu như thức ăn đồ uống nào cũng dính hóa chất và chưa bao giờ thực phẩm không an toàn ngang nhiên qua mặt cả rừng kiểm soát để ùn ùn đến tận bàn ăn người tiêu dùng nhiều như bây giờ.

Quả cam đó xuất xứ từ đâu, đến bàn ăn bằng đường nào, ông Ruệ không biết. Một nhà khoa học nói, cam được bảo quản lâu như thế, công nghệ ta chưa làm được. Nhưng ông biết rất rõ quả cam nếu qua biên giới phải được kiểm duyệt không dưới bốn cửa bao gồm y tế, thủy sản, nông nghiệp và hải quan. Trong khi đó, người ta chỉ có một cửa kiểm tra mà hoa quả Việt Nam không vào nổi sâu nội địa trừ mấy vùng biên ải của tỉnh Vân Nam hoặc Quảng Tây.

Việt Nam nhập 1,2 tỷ USD hóa chất và phụ gia thực phẩm (năm 2006) và một tỷ USD thức ăn chăn nuôi gia súc và gia cầm. Một quốc gia mang tiếng hai phần ba dân số làm nông nghiệp mà nhập lượng thức ăn chăn nuôi quá lớn, Thứ trưởng Ruệ cho là bất bình thường. Lo ngại hơn là nhóm hóa chất, phụ gia thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nhập khổng lồ đó, ông Ruệ thừa nhận, hầu như không kiểm soát được chất lượng.

Trong khi nguyên liệu nhập để sản xuất, chế biến thực phẩm bị thả nổi, nguyên liệu trong nước không hơn gì. Theo ông Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tại một chợ hóa chất Kim Biên ở quận 5 của thành phố gần 10 triệu dân lớn nhất nước, thứ gì cũng có.

Quái ác là người ta đến đó mua hóa chất về để chế biến thực phẩm mà chẳng bị phạt. Đơn giản là vì luật nhiều nhưng chưa có điều khoản nào quy định chợ hóa chất cho thực phẩm và chợ hóa chất cho công nghiệp phải tách bạch.

Việc không chỉ quả cam mà ông Ruệ đang lưu giữ ở nhà mình chui qua mạng lưới nhằng nhịt quản lý, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính là do sự chồng chéo trong quản lý dẫn đến những lỗ hổng to tướng. Lãnh hậu quả cuối cùng không ai khác ngoài người tiêu dùng.

Sự thiếu hiệu quả, thiếu quy trách nhiệm về một mối dường như cũng khiến các cơ quan được chỉ định tham gia giám sát thực phẩm mệt mỏi.

Hai năm kể từ khi thành lập ban chỉ đạo liên ngành về thực phẩm với hai cuộc họp, tổng thành viên đến dự chỉ được một nửa. Tại hội nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay về thực phẩm, 22 địa phương không cử lãnh đạo và 6 địa phương không cử bất cứ ai đi dự. Cũng chính vì lý do này mà lần đầu tiên đã phải tổ chức lại hội nghị cho những người… không dự nói trên.

Đã đến lúc người tiêu dùng được quyền lên tiếng về miếng ăn hàng ngày đang bị đe dọa do thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm!

Theo Chi Giao
Tiền Phong