1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

PMU18 sau “cơn bão” tiêu cực

Sau vụ tiêu cực tại PMU18, cứ có dự án giao thông nào có vấn đề dư luận lại đổ lỗi cho PMU18. Việc xin giải quyết thủ tục, giấy tờ gặp nhiều khó khăn. Các nhà tài trợ nước ngoài xét nét hơn khi cấp vốn, cho vay vốn...

Ban quản lý các dự án 18 (PMU18), trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, được thành lập theo Quyết định ngày 23/8/1993 của Bộ Giao thông - Vận tải. Chức năng của PMU18 là thay mặt chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng các công trình giao thông do Bộ giao; giao dịch, tiếp xúc với các tổ chức trong và ngoài nước để tìm nguồn vốn cho các dự án do Ban quản lý. Thế nhưng, lợi dụng chức vụ, một số cán bộ chủ chốt đã có những sai phạm lớn làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như sự phát triển của Ban quản lý 18.

 

Khó khăn “vượt cạn”

 

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Chiêm, Quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án PMU18 không giấu vẻ buồn: "Từ khi PMU18 xảy ra chuyện, cả Ban quản lý trầm hẳn xuống. Tôi không có ý thanh minh cho ông Bùi Tiến Dũng hay một số người khác có sai phạm. Họ là những "con sâu làm rầu nồi canh", làm ảnh hưởng tới uy tín của cả một tổ chức gần 250 con người từng có nhiều thành tích xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho đất nước.

 

Là người của PMU18, đi đâu cán bộ, công nhân viên cũng bị mang tiếng. Từ khi được Bộ giao Quyền Tổng Giám đốc, tôi thấy mình phải có trách nhiệm khắc phục tồn tại trước đây, mặc dù làm điều này thật không đơn giản.

 

Cái khó đầu tiên chúng tôi gặp phải là dư luận. Thật kỳ lạ là nhiều dự án không thuộc PMU18 quản lý nhưng dư luận lại quy trách nhiệm cho Ban quản lý PMU18. Chẳng hạn, dự án cải tạo QL27B là của Sở Giao thông Ninh Thuận làm chủ đầu tư, hoàn toàn không liên quan đến Ban quản lý dự án PMU18, nhưng khi có sai sót, dư luận lại "đổ lỗi" cho PMU18.

 

Dự án Giao thông nông thôn (dùng vốn vay của Ngân hàng Thế giới), dự án WB3 trực thuộc ban quản lý khác, nhưng rồi khi gặp sai sót thì dư luận cũng đổ lỗi cho... PMU18. Đoạn đường 32 rẽ đi Ba Vì (Hà Tây) không phải do PMU18 làm chủ đầu tư, nhưng có báo lại "ghép" cho PMU18.

 

Cách đây vài năm, một nữ sinh viên đi xe máy chẳng may đâm vào đầu cầu Mai Dịch bị chết, người nhà cũng làm đơn kiện PMU18, đòi tiền bồi thường, nhưng thực ra cầu này thuộc ban quản lý dự án khác...".

 

Cũng theo ông Đoàn Văn Chiêm thì ngoài dư luận, PMU18 gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết khâu xin thủ tục. Có những thủ tục trình lên cấp trên trước kia chỉ đợi trong vòng một ngày là có kết quả, nhưng nay phải đợi đến một tuần, có khi là cả tháng. Điều này cũng làm ảnh hưởng không ít tiến độ thi công các công trình cũng như đến các nhà thầu; việc thanh toán, quyết toán cũng chậm hơn trước. Nhiều nhà tài trợ nước ngoài cũng có phần kỹ tính hơn trong việc cấp vốn, cho vay vốn, khiến không ít nhà thầu phải lao đao.

 

Bên cạnh đó, một số cán bộ, công nhân viên trong Ban quản lý PMU18 bị phân tán tư tưởng, không yên tâm làm việc. Ban quản lý PMU18 hiện nay một mặt vừa phải hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu phục vụ điều tra vụ án PMU18, lại vừa chỉ đạo sản xuất, thi công các công trình còn dang dở.

 

Lãnh đạo PMU18 đang tập trung giải quyết tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên, củng cố đoàn kết nội bộ, sắp xếp lại tổ chức, cán bộ cho hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác và hạn chế, phòng ngừa tiêu cực.

 

Nỗ lực “sửa sai”

 

Nói về những sai sót từ các công trình PMU18 từng phụ trách mà báo chí đã nêu, ông Chiêm khẳng định, không phải tất cả những thông tin đó đều chính xác.

 

Sau khi đọc được thông tin về sai phạm của PMU18, hai đoàn gồm các chuyên gia về đường của Nhật Bản đã sang tiến hành cuộc khảo sát. Đoàn thứ nhất (không chính thức) sang kiểm tra trước. Sau đó, hồi tháng 6/2006, đoàn thứ 2 chính thức sang Việt Nam phối hợp với cán bộ của Bộ Giao thông vận tải cùng đi kiểm tra chất lượng công trình. Sau hai lần, họ đều đưa ra kết luận các công trình do PMU18 quản lý và thực hiện không hoàn toàn xấu như dư luận đã nêu.

 

Tiếp đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng tiến hành tổng kiểm tra các công trình do PMU18 quản lý và đã có kết luận chính thức. Giải thích về sự xuống cấp của QL2, lãnh đạo PMU18 cho biết: Nguyên nhân chính là do kinh phí hạn chế nên độ dày bê tông không được đảm bảo, cộng thêm lưu lượng phương tiện qua lại gia tăng; là tuyến đường độc đạo, vừa thi công, vừa khai thác nên tuổi thọ của đường bị giảm sút.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo PMU18 cũng không phủ nhận hoàn toàn về những sai sót trong quá trình thi công các dự án. Khuyết điểm của PMU18 là do không chọn được nhà thầu, nhà tư vấn tốt. Vì vậy, biện pháp khắc phục trước mắt là rà soát lại hoạt động của một số nhà thầu, nếu thấy không đảm bảo yêu cầu thì thay đổi.

 

Khó khăn là thế nhưng sau gần 10 tháng nỗ lực đứng lên, giờ đây nhiều dự án do PMU18 quản lý đã cơ bản được hoàn thành đúng tiến độ như dự án cầu Bãi Cháy (đang chờ bàn giao); dự án xây cầu trên QL1 giai đoạn 3 cũng sắp kết thúc...

 

Thời gian tới để tăng cường quản lý các ban quản lý dự án một cách hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có phương án giao các dự án trực tiếp về cho các Cục chuyên ngành (đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không) làm chủ đầu tư (trước đây do Bộ làm chủ đầu tư), đồng thời sắp xếp lại các ban quản lý dự án. Theo đó, PMU18 vẫn tồn tại nhưng có thể độc lập hoặc sáp nhập với ban quản lý dự án khác.

  

Theo Công an Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm