1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

PMU - Sự sơ hở chết người!

Vụ án PMU18 cho dù được xử lý nghiêm đến đâu cũng chỉ là chuyện "ngắt ngọn", bởi tham nhũng kiểu này chắc chắn không phải là cá biệt. Muốn diệt tham nhũng phải mổ xẻ tận gốc...

Tham nhũng "chui" từ đâu ra?

 

Khi đi tìm nguyên nhân của tình trạng tham nhũng chui từ đâu ra và phát triển từ nguy cơ (mới nhen nhóm, đe dọa) lên tai họa (có sức phá hoại, trong đó quan trọng hơn là phá hoại lòng tin), lên hiểm họa (sự mất còn), các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân.

 

Có nguyên nhân từ sự tham lam, lại có quyền lực và lợi dụng quyền lực. Có nguyên nhân từ sự sơ hở của cơ chế quản lý. Có nguyên nhân từ sự yếu kém, thậm chí là sự tê liệt của tổ chức. Có nguyên nhân từ sự buông lỏng, thậm chí là che chắn của các cơ quan quản lý. Có nguyên nhân từ sự thờ ơ, thậm chí bạc nhược, ươn hèn, từ sự ăn theo, thậm chí đồng lõa của một bộ phận cán bộ, công chức trong đơn vị...

 

Vụ tham nhũng động trời tại PMU18 đã chứa đựng và cộng hưởng của hầu hết các nguyên nhân trên. Do khuôn khổ một bài báo, chúng tôi xin lạm bàn về sự sơ hở của cơ chế quản lý, với mong muốn các nhà hoạch định chính sách vĩ mô nghiên cứu để không còn xảy ra tình trạng tương tự ở các dự án khác, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA).

 

Đây là một nguồn vốn Nhà nước do người dân làm chủ; nguồn vốn có vay có trả, nếu để thất thoát thì sẽ bị "lỗ đúp" (lỗ do phải hoàn đủ vốn, do phải trả lãi suất, do sự tăng lên của tỷ giá nội tệ/ngoại tệ). Quan trọng hơn là ta đã đánh mất lòng tin của bạn bè quốc tế.

 

Sơ hở của cơ chế quản lý

 

Thứ nhất, PMU18 không là đối tượng điều chỉnh của bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào, từ Luật Doanh nghiệp nhà nước, các Luật điều chỉnh về các đơn vị sự nghiệp, các Luật điều chỉnh đối với cơ quan nhà nước. Một đơn vị nằm ngoài luật, nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước, thì việc tự tung tự tác là điều tất yếu.

 

Giữa một đất nước thực hiện quản lý nhà nước pháp quyền mà có một "ốc đảo" siêu ban, siêu lãnh thổ đến như vậy? Đây là một sự sơ hở chết người!

 

Thứ hai, một đơn vị không biết thuộc loại hình nào, mà lại được giao quản lý một lượng vốn khổng lồ như vậy thì chẳng khác gì là giao nhầm chủ. "Vô chủ" đã là nguy hiểm, "nhầm chủ" còn nguy hiểm hơn.

 

Cũng vì thế mà Bùi Tiến Dũng tưởng mình là ông chủ. Ông chủ muốn bao nhiêu xe cũng được, muốn dùng xe vào việc gì cũng được, muốn “ép” ai cũng xong và đặc biệt là không sợ ai!

 

Hơn nữa, bộ máy của đơn vị tự coi mình là người đứng ngoài cuộc giám sát, làm việc theo lệnh của ông chủ, miễn là được trả công cao hơn ở các đơn vị khác. Điều nguy hiểm là ở đây Tổng giám đốc, các Trưởng phòng lại kiêm luôn Bí thư Đảng ủy, Bí thư chi bộ.

 

Dân chủ bị hợp thức hóa, bị đội danh còn nguy hiểm hơn cả không có dân chủ, bởi nó đánh lừa được cả các cấp, các ngành. Bị tê liệt cũng chính là do nguyên nhân này.

 

Thứ ba, việc quản lý ở PMU18 gần như bị buông lỏng, bị bỏ ngỏ. Một lượng vốn lớn đến như vậy nhưng lãnh đạo Bộ không biết là thất thoát, sai phạm bao nhiêu, và khi có ý kiến nghi ngờ về tỷ lệ chia chác cho lãnh đạo Bộ thì lại coi đó là bịa đặt.

 

Một số lượng ôtô đắt tiền đến như vậy mà các cơ quan tài chính nhà nước, những cơ quan có trách nhiệm theo dõi, quản lý, từ kế toán trưởng của PMU18, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -  tài chính Bộ Giao thông vận tải đến các đơn vị quản lý tương ứng của Bộ Tài chính... đều không biết.

 

Cuối cùng, việc kiểm tra giám sát - một công cụ hữu hiệu của quản lý gần như bị tê liệt. Lãnh đạo Bộ thì né tránh trách nhiệm. Đến khi vụ việc vỡ lở mà vẫn cố che đậy. Đã mấy lần các cơ quan kiểm tra thanh tra phát hiện sai phạm, nhưng đều xử lý theo kiểu "thí tốt". Những nhân vật có nhiều sai phạm nhất vẫn bình yên vô sự.

 

Đối với một công chức bình thường, sự tránh né, thờ ơ, thậm chí vì miếng cơm manh áo đã có thể coi là bạc nhược, ươn hèn. Còn người lãnh đạo Bộ, đó chẳng phải đồng lõa, bao che (với đằng sau sự bao che là chia chác), là góp phần làm nghèo, làm nhỏ đất nước?

 

Theo Ngọc Minh

Thanh Niên