Sự cố “tê liệt” sân bay Tân Sơn Nhất:
Phút “cân não” tại Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia
(Dân trí) - Một tuần sau sự cố mất điện làm “tê liệt” hệ thống điều hành bay Tân Sơn Nhất, lần đầu tiên công tác ứng phó không lưu tại Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia được tiết lộ. Đó là những phút “cân não” ứng phó sự cố đặc biệt nghiêm trọng.
Hãy thử tưởng tượng, nếu như Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) không đủ năng lực để ứng phó không lưu và tiếp nhận hoạt động quản lý, điều hành bay khi ACC Hồ Chí Minh bị “tê liệt” vì mất điện thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn đó sẽ là điều vô cùng tồi tệ và nguy hiểm cho hàng không Việt Nam cũng như thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia thuộc ACC Hà Nội là “tổng hành dinh” quản lý điều hành bay quốc gia và thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo không lưu, nhưng hiện công trình mới chỉ đang trong giai đoạn nghiệm thu. Hôm 20/11, khi ACC Hồ Chí Minh đột ngột mất điện, với tính chất nghiêm trọng đặc biệt, ACC Hà Nội được đưa vào sử dụng để ứng phó sự cố khẩn nguy đang diễn ra tại Tân Sơn Nhất và toàn bộ Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) - cho biết: “Chúng tôi đang họp tại trụ sở Tổng Công ty thì bất ngờ nhận được báo cáo sự cố tại ACC Hồ Chí Minh qua điện thoại. Với những diễn biến phức tạp của sự cố thì cách duy nhất để xử lý tình hình là đưa ACC Hà Nội vào hoạt động, vậy nên chúng tôi phải nhanh chóng đi tới quyết định này”.
ACC Hà Nội - cơ quan không lưu đầu não, quản lý và điều hành hoạt động bay của quốc gia
Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Tổng Giám đốc VATM - mô tả lại hoạt động ứng phó không lưu hôm xảy ra sự cố ACC Hồ Chí Minh
Theo ông Thăng, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố mất điện tại ACC. Dù ACC Hà Nội chưa hoàn thành và thực tế là ACC chưa được cấp giấy phép vận hành khai thác, nhưng trong tình hình cấp bách nên không có sự lựa chọn nào khác.
Trao đổi với PV Dân trí về sự ứng phó của quân chủng phòng không không quân khi ACC Hồ Chí Minh xảy ra sự cố mất khả năng điều hành bay hôm 20/11, Đại tá Hà Đức Tuế - Trưởng phòng Quản lý điều hành bay Quân chủng Phòng không không quân, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng - cho biết: Quân chủng Phòng không không quân là lực lượng sẵn sàng chiến đấu nên ngay khi xảy ra sự cố lực lượng đã lập tức triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. “Khi ACC Hồ Chí Minh mất liên lạc, lực lượng của quân chủng đã kiểm soát chặt chẽ vùng trời TPHCM và toàn bộ vùng FIR. Hệ thống radar quân sự tăng cường rà soát trên vùng trời lãnh thổ, nếu phát hiện bất kỳ vật thể nào có dấu hiệu bất thường hoặc mục tiêu xâm nhập vùng trời và nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia thì lực lượng quân sự sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc” - Đại tá Hà Đức Tuế khẳng định. |
“Lúc đó, mọi công tác đều được triển khai rốt ráo và đặc biệt cẩn trọng. Những người có trình độ tốt nhất, tư duy nhanh nhạy nhất, chuyên môn vững vàng nhất lập tức bước vào Trung tâm chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia. Thậm chí, đích thân Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc còn đếm thủ công đủ 54 máy bay đang hoạt động trong vùng FIR Hồ Chí Minh để đảm bảo việc quản lý và theo dõi được chính xác nhất” - ông Thăng thông tin.
Ông Thăng cho biết, cùng với việc theo dõi và quản lý, điều hành bay tại Hà Nội thì hàng loạt các biện pháp ứng phó không lưu khác cũng được triển khai đồng thời, đó là: Thông báo cho ACC các nước lân cận và tiếp giáp vùng FIR Hồ Chí Minh về sự cố như Singapore, Manila, Sanya, Kuala Lumpur, Vientiane, Phnom Penh và yêu cầu nước bạn hỗ trợ triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu nhằm hạn chế máy bay đi vào vùng FIR Hồ Chí Minh. Yêu cầu các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời thực hiện dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành, liên lạc với các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị…
Mỗi ngày có 1.500 chuyến bay phải quản lý, theo dõi và điều hành
Với vai trò là "tổng hành dinh" trong quản lý và điều hành bay quốc gia, nhiệm vụ tại ACC Hà Nội "căng thẳng" ngay từ khi chưa được vận hành chính thức
“Đứng tại Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy chúng tôi đều rất lo lắng! Nhưng là những người làm lâu năm trong nghề và nắm vững chuyên môn nên trong đầu đã có sẵn các phương án ứng phó” - ông Thăng chia sẻ.
Diễn biến sự cố nghiêm trọng được ghi nhận xảy ra từ 11h5’ đến 12h19’ làm ảnh hưởng tới 92 chuyến bay trong toàn vùng FIR Hồ Chí Minh. Trong 35 phút đầu, Tân Sơn Nhất mất khả năng điều hành, đến 12h19’ đã điều hành được bình thường các chuyến bay đi đến và Tân Sơn Nhất tiếp thu trở lại, 15h40’ thì khôi phục lại được hoàn toàn hệ thống và 1 ngày sau đó mới khôi phục được UPS đầu tiên bị hỏng. Vào thời điểm toàn ACC Hồ Chí Minh bị “sập” hệ thống điều hành bay thì chỉ duy nhất đài chỉ huy tại sân bay Tân Sơn Nhất là không bị ảnh hưởng, vì thế đài chỉ huy Tân Sơn Nhất đã phải triển khai phương án điều hành bay theo phương pháp cổ điển là không radar để điều hành 8 chuyến bay đang ở điểm tiếp cận thực hiện hạ cánh an toàn.
Từ ACC Hà Nội, tất cả các chuyến bay trong vùng FIR Việt Nam và hoạt động điều hành bay điều được quản lý và kiểm soát
Chảo thu-phát sóng tín hiệu hoạt động của tất cả các chuyến bay trên vùng trời Việt Nam tại ACC Hà Nội
Hiện vẫn chưa có những thống kê về thiệt hại từ sự cố, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và kết luận chính thức sẽ có vào ngày 10/12 tới.
Châu Như Quỳnh