1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vi phạm TTXD tại Hồ Trúc Bạch:

Phường Trúc Bạch làm ngơ trước sai phạm?!

(Dân trí) - Ngay sau khi Dân trí cảnh báo về tình trạng <a href=" http://www.dantri.com.vn/Sukien/2006/1/96844.vip"> vi phạm trật tự xây dựng quanh hồ Trúc Bạch </a>, rất nhiều bạn đọc đã gửi thư, gọi điện đến tòa soạn bày tỏ ý kiến đồng tình với vấn đề của bài báo nêu, thậm chí có bạn đọc còn thẳng thắn nhìn nhận sở dĩ có vi phạm nói trên là do các cấp UBND cố tình “làm ngơ” trước sai phạm.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ làm rõ thêm vấn đề này ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Đầu tiên phải nhắc đến là trong hàng loạt vi phạm xây dựng đang diễn ra quanh hồ Trúc Bạch thì ngôi nhà 172 Trấn Vũ khiến dư luận bức xúc nhất bởi nó đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện dù trước đó đã có nhiều cảnh báo của nhân dân về độ cao và số tầng của ngôi nhà này.

 

Khi bài báo này tới tay độc giả cũng là lúc ngôi nhà số 172 đã cao thêm 2 tầng và vẫn đang tiếp tục xây dựng bằng cách che bạt, rút vào "hoạt động bí mật", người qua đường không hiểu cho đây là ý thức che bụi giữ gìn môi trường của chủ đầu tư, ít ai biết được thực chất việc che bạt là để xây cho kín, che đi những vi phạm.

Nhưng mọi việc đến nay vẫn chỉ dừng lại ở văn bản 757/UB-XDĐT ngày 21/10/2005 của UBND quận Ba Đình trả lời rằng: "Tại thời điểm kiểm tra công trình chủ đầu tư (ông Đoàn Mạnh Trung) đã xây dựng trong phạm vi được cấp phép, trong văn bản UBND quận khẳng định với nhân dân và báo chí là thời điểm đó ngôi nhà chưa vi phạm và chỉ đạo UBND phường Trúc Bạch tiếp tục giám sát công trình".

Thế nhưng ngay sau khi văn bản này của UBND quận còn chưa “ráo mực” chủ công trình lại cho thợ tiếp tục xây dựng vào những ngày nghỉ, lúc nhập nhoạng tối và chỉ đến sáng ra người dân lại ngỡ ngàng thấy ngôi nhà đã có thêm 1 tầng nữa và văn bản 757/UB-XDĐT của quận Ba Đình chẳng có ý nghĩa gì?!.

Biết sai phạm nhưng không giải quyết?

Ngày 10/1/2006, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đào Đình Cường, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch về vấn đề này, ông Cường nói rằng UBND đang chờ chủ đầu tư những công trình vi phạm xin giấy phép bổ sung, chỉ đến khi phóng viên nói thẳng ra cái báo chí cần là quan điểm xử lý vi phạm tại thời điểm hiện tại (ngày 10/1/2006) thì ông Cường thừa nhận có sai phạm ở một số công trình xây dựng xung quanh hồ Trúc Bạch (phố Trấn Vũ).

Thật lạ lùng khi một cấp UBND làm nhiệm vụ quản lý theo thẩm quyền trước những sai phạm rõ ràng mà quý phường lại có “ưu ái” cho các chủ đầu tư ở đây chờ giấy phép xây dựng bổ sung, không hiểu đằng sau sự ưu ái này là gì?

Phớt lờ cả công văn của Quận và Thành phố

Được biết trước đó về căn nhà số 172 phố Trấn Vũ, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân đã có công văn số 4434/UB-XDĐT chỉ đạo UBND quận Ba Đình phối hợp với các Sở Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra hiện trạng xây dựng đối chiếu quy hoạch và hồ sơ cấp phép xây dựng …không để sự việc này diễn biến phức tạp. Giờ không hiểu ngôi nhà 172 xây 7 tầng (quá 2 tầng so với giấy phép) thách thức dư luận như vậy đã làm sự việc trở lên phức tạp hay chưa?!

Theo thông tin PV thu thập được của người dân, trước đó ngôi nhà 172 này đã bị UBND quận Ba Đình tạm đình chỉ xây dựng và hành động bị đình chỉ rồi mà vẫn tiếp tục xây dựng chính là câu trả lời cho nhận định của người dân về sự cố tình buông lỏng quản lý của phường Trúc Bạch ở đây. Ngay đằng sau công trình vi phạm là trụ sở UBND phường và Thanh tra xây dựng quận.

Bởi theo Quyết định số 19/QĐ-UB (ngày 24/1/2003) của UBND TP Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thì UBND cấp phường chịu trách nhiệm toàn diện xử phạt hành chính, buộc đình chỉ để xin phép đối với những công trình xây dựng không phép, sai phép, nếu tiếp tục sai phạm trong vòng 10 ngày phải cưỡng chế phá dỡ để đảm bảo hiệu lực pháp luật. Còn theo chỉ thị số 30/2003/CT-UB của UBND TP Hà Nội các công trình vi phạm trật tự xây dựng đều bị xử lý, dỡ bỏ ngay từ đầu, nghiêm cấm phạt cho tồn tại hoặc để kéo dài.

Không phải ngẫu nhiên người dân lại dám đưa ra nhận định rằng: “sở dĩ những công trình nhà ở đây vi phạm chính là do có sự tiếp tay “dung túng” và làm ngơ trước sai phạm của chính quyền sở tại mà cụ thể là UBND phường Trúc Bạch”.

Có thể nói Hồ Trúc Bạch là một trong những tài sản văn hóa quý giá của Thủ đô, khi mà người dân vì những lợi ích trước mắt không có ý thức giữ gìn bảo vệ thì các cấp chính quyền cần kiên quyết xử lý các sai phạm. 

Song khi các cấp chính quyền vẫn còn đang làm ngơ trước tiêu cực thì chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải gióng lên hồi chuông báo động về những công trình vi phạm từng ngày đang “giết chết” hồ Trúc Bạch – một di tích lịch sử quý giá của Thủ đô.

UBND phường Trúc Bạch không thiện chí hợp tác với báo chí?!

Để có tiếng nói hai chiều giữa người dân và chính quyền quản lý chúng tôi đã liên lạc với UBND phường Trúc Bạch. Tuy nhiên dù đã trình đầy đủ những “giấy tờ” cần thiết để tác nghiệp nhưng tất cả những gì chúng tôi nhận được là những cái hẹn mang mục đích trốn tránh trách nhiệm của quý phường.

Phường Trúc Bạch làm ngơ trước sai phạm?! - 1
 Ông Chủ tịch Cường hẹn chúng tôi 11h ngày 11/1/2006 sẽ làm việc tại UBND phường, đúng 11h chúng tôi có mặt và chờ quá 30 phút nhưng không thấy ông Chủ tịch đâu. Sự việc buộc chúng tôi phải vào phòng văn thư xin gọi điện (hoặc số điện thoại của ông Cường) thì đều bị từ chối. Anh văn thư bảo đã hẹn thì cứ chờ và rằng điện thoại này bị hỏng, nhưng chỉ sau ít phút tôi đã thấy anh nhấc máy “buôn” việc riêng (ảnh).

Tình thế buộc chúng tôi phải vào văn phòng Đảng ủy phường đề nghị giúp đỡ xin lại 1 cái hẹn khác. Cuối cùng người tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Đình Hà, cán bộ tiếp dân và ông Bùi Lê Chiến, cán bộ trật tự xây dựng (tôi được hai vị này giới thiệu như vậy). Khi tôi hỏi nhưng phát ngôn của hai ông có được ủy quyền của ông Chủ tịch không để chúng tôi công bố báo chí thì cả hai vị đều nói không. Vì thế chúng tôi lại nhận được 1 cái hẹn đến chiều, sau khi bố trí được thời gian, phường sẽ gọi lại nhưng chờ đến giờ phút này (ngày 13/1) phường Trúc Bạch vẫn chưa hồi âm.

Thanh Ngọc