1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phú Yên có thể mất đi hơn 44 km2 đất

(Dân trí) - Sự phát triển KT – XH các vùng ven biển Phú Yên phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nuôi trồng thuỷ hải sản, nhưng những năm gần đây, tỉnh đang đứng trước hành loạt vấn đề về biển như ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, sạt lở, xâm thực…

Theo kịch bản Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên – Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100cm thì diện tích ngập nước của Phú Yên là 44,3664 km2. Điều này sẽ đe doạ đến cuộc sống của các hộ dân ven các thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đông Hoà, TP. Tuy Hoà.

Bên cạnh nguy cơ nước biển dâng, người dân ven biển còn gánh chịu hậu quả của các hiện tương xâm thực, xói lở, thiên tai gây ngập mặn, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển.

Theo số liệu thống kê, hiện nay nhiều huyện ở Phú Yên đứng trước nguy cơ bị xói lở nghiêm trọng. Cụ thể phạm vi sạt lở ở thị xã Sông Cầu từ 300m – 1,5km, huyện Tuy An là 700m – 1,5km. Tốc độ sạt lở hàng năm từ 10 – 20m, cá biệt có nơi từ 25 – 35m/năm.

Chất lượng nước vùng biển ven bờ của Phú Yên còn có dấu hiệu ô nhiễm ở các vùng biển ven bờ thuộc khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, khu công nghiệp Hoà Hiệp, các cảng cá. Ở các khu vực đó, các chỉ tiêu về tổng chất rắn lơ lửng, nhu cầu ô xy hoá học, hàm lượng sắt, hàm lượng sắt… đều vượt quá Quy chuẩn Việt Nam.
Phú Yên có thể mất đi hơn 44 km2 đất - 1
Đầm Ô Loan là vùng có 82 loài tôm cá, 50 loài giáp xác nhưng tình hình ô nhiễm có thế khiến các loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Về chất lượng nước trong các đầm, vịnh thì hàm lượng DO thấp, nhất là đầm Ô Loan khu vực có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn ở Phú Yên hàm lượng DO chỉ là 4,6mg/lít, không đạt quy chuẩn đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ sinh vật cảnh.

Tình trạng ô nhiễm đã làm các loài thuỷ sản giảm đáng kể. Trong đó, đặc sản sò huyết ở đây đã giảm đến 95% và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Hiện trạng trên ngoài nguyên nhân khách quan, còn do ý thức của con người. Theo số liệu điều tra trong khuôn khổ chương trình SEMLA, tại 18 thôn thuộc 12 xã ven biển: 100% chất thải nuôi trồng thuỷ sản đổ thẳng ra biển mà không qua xử lý.

Ngoài ra, việc khai thác thuỷ sản bằng các ngư cụ huỷ diệt (xung điện, chất nổ, thuốc mê…) cũng góp tay khiến nhiều loại thuỷ sản đứng trước nguy cơ biến mất.
Phú Yên có thể mất đi hơn 44 km2 đất - 2
Tháng 3/2010, một vũ rò rỉ hàng trăm m3 xăng ra vùng biển vũng Rô đã xảy ra.

Áp lực mưu sinh khiến số lượng người dân sinh sống bằng nghề thuỷ sản ngày càng đông thêm. Tỷ lệ ngư dân nghèo, kiến thức về tài nguyên, môi trường chưa cao là khó khăn lớn trong công tác bảo vệ giá trị tài nguyên môi trường.

Đứng trước tình hình đó, các cơ quan ban ngành tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, xây dựng các chính sách khuyến ngư, nghiêm cấm các các hành vi có thể gây nguy hại cho môi trường biển.

Khánh Hằng