Phụ xe cũng phải có giấy chứng nhận chuyên môn nghiệp vụ
(Dân trí) - Để chấn chỉnh hoạt động vận tải xe khách, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải có quyết định về quản lý vận tải hành khách công cộng, theo đó tất cả phụ xe, bán vé xe buýt phải có giấy chứng nhận chuyên môn nghiệp vụ do Hiệp hội vận tải ôtô cấp.
Tuy nhiên, có nhiều luồng thông tin khác nhau xung quanh năng lực thực hiện Quyết định này của Hiệp hội. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội - xung quanh nội dung trên.
“Quyết định 34/2006/QĐ-BGTVT được ban hành là để thực hiện Nghị định 110/2006/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô trong đó có vận tải bằng xe buýt.
Tôi cho đây là việc làm rất cần thiết, chính phủ đã nghiên cứu kỹ vì đây là lĩnh vực liên quan đến con người. Người thuộc diện được xét cấp chứng nhận phải có lý lịch rõ ràng, phải có khám sức khoẻ đủ điều kiện, phải được ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Theo tôi, điều quan trọng là phía các doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt về mặt nhân sự. Có một thực tế là hiện nay nhiều lái xe của doanh nghiệp không được ký hợp đồng mà chỉ là con cháu của chủ doanh nghiệp, nên không có lý lịch rõ ràng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến những bức xúc của người dân xung quanh thái độ phục vụ của đội ngũ phục vụ trên các chuyến xe”.
Vậy số lượng thuộc diện được cấp là bao nhiêu, thưa ông?
Chiểu theo Nghị định 110 của Chính phủ là tất cả nhân viên phục vụ trên xe thì diện phải có giấy chứng nhận của Hiệp hội khoảng 20.000 người.
Có phải là nghịch hay không thưa ông trong khi số lượng đối tượng cần cấp thì nhiều, thời gian chuẩn bị để thực hiện Nghị định 110 của CP cũng chỉ còn chưa đầy một trăm ngày. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp vận tải lo ngại rằng Hiệp hội không đủ lực để “gánh” nổi chu trình đạo tạo cho hàng vạn người? Kéo theo đó là những vướng mắc không đáng có cho doanh nghiệp?
Thực ra vấn đề này đối với Hiệp hội không còn là mới vì đã 5 năm nay Hiệp hội là đơn vị có chức năng tổ chức tập huấn cấp chứng nhận cho lái xe taxi theo hiện nghị định 92 của CP.
Quan điểm thống nhất của Cục cũng như của Hiệp hội là không gây phiền hà tới hoạt động của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, chúng tôi sử dụng hình thức đào tạo tại chỗ, thời gian do các doanh nghiệp chủ động, có thể buổi sáng, buổi tối, vào ngày thường hoặc chủ nhật.
Phải nhìn nhận rằng đây là một lớp tập huấn ngắn hạn, gói gọn trong 24 tiết. Nội dung chương trình đào tạo gồm một số nội dung về lịch sử tổng quát của ngành vận tải ôtô, đặc điểm của loại vận chuyển hành khách, văn hoá ứng xử đối với hành khách, nhiệm vụ cụ thể, quy trình ra sao, cơ chế chính sách, nội dung gì.
Các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận thế này: đây là lớp tập huấn ngắn hạn, nhẹ nhàng thôi chứ không phải lớp học nhiều ngày nhiều tháng gì. Qua những lớp tập huấn thế này, các doanh nghiệp có thêm cơ sở nâng cao chất lượng phục vụ hành khách lên.
Về những lo lắng xung quanh vấn đề năng lực đào tạo của Hiệp hội, tôi cũng xin nói rõ: nhân viên chuyên trách của Hiệp hội thì không nhiều nhưng cộng tác viên thì rất lớn, tại các cơ sở tạ địa phương. Giáo viên hướng dẫn đều được tuyển chọn kỹ càng, có đủ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đó là những người kiêm nhiệm đã từng là giám đốc các doanh nghiệp vận tải, những người đã học chuyên ngành vận tải, đã từng làm quản lý nhà nước vê vận tải, một số anh em đang làm cán bộ giảng viên trong các trường vận tải giảng dạy… có uy tín đủ kinh nghiệm chứ không nhộn nhạo cho xong chuyện.
Vậy theo dự tính của Hiệp hội việc cấp chứng nhận sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian bao lâu?
Tôi nghĩ là không mất nhiều thời gian vì chúng tôi không tập trung tập huấn tại một điểm mà tại 61 tỉnh thành, có nhiều lớp tại mỗi tỉnh thành. Cái quan trọng là mình không làm quy quýt chiếu lệ mà phải thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Vậy đến bao giờ có lớp tập huấn đầu tiên?
Chúng tôi đang trong thời gian biên tập lại giáo trình cho hoàn thiện. Có thể cuối tháng 12 chúng tôi bắt đầu thực hiện việc đào tạo cấp giấy chứng nhận.
Phúc Hưng - Thái Sơn