1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: “Uống rượu bia suốt sao làm được việc!”

(Dân trí) - “Để tiết kiệm, bảo vệ sức khỏe và an toàn giao thông, nhân hội nghị tôi phát động luôn cả nước không uống rượu bia trong giờ làm việc và buổi trưa nữa. Còn cứ uống rượu bia suốt làm sao làm được việc!” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngày 31/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, mặc dù tình hình tai nạn giao thông có nhiều chuyển biến, tình trạng ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã được khắc phục, tuy nhiên số người chết vì tai nạn giao thông vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.

Tính mạng con người không coi trọng thì coi trọng cái gì?

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết, để giảm tình hình tai nạn giao thông, trước tiên tỉnh này nghiêm cấm cán bộ, công chức viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc và đưa vào tiêu chí xét thi đua hàng năm. Do vậy, trong năm 2013, tỉnh này có 187 cơ quan, tổ chức, đoàn thể với hơn 8000 cá nhân ký cam kết không vi phạm uống rượu, bia trong giờ làm việc.

Phó Thủ tướng: “Uống rượu bia suốt sao làm được việc!”
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không uống rượu bia trong giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe, an toàn giao thông và tiết kiệm

Ngoài ra, đơn vị này cũng đã phân công, phân cấp lại việc tuần tra kiểm soát giao thông. Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh còn giao cho từng cảnh sát giao thông phụ trách từng tuyến đường trọng điểm và nâng dần trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng xử lý nghiêm các cảnh sát vi phạm quy định trong quá trình làm nhiệm vụ. “Trong năm 2013, chúng tôi đã tổ chức 675 lượt kiểm tra cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường. Qua việc này đã phát hiện xử lý nghiêm 25 cảnh sát giao thông vi phạm quy định công tác”, ông Thảo cho hay.

Đại điện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị này cũng đã chỉ đạo rất nghiêm túc cán bộ không uống rượu bia trong giờ làm việc. Để làm nghiêm vấn đề này, tỉnh Vĩnh Phúc gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Còn đại diện UBND tỉnh Hà Nam cho hay từ năm 2012 đã yêu cầu cán bộ công chức không uống rượu bia trong giờ làm việc và cả buổi trưa. “Nếu như cán bộ công chức, viên chức ở các đơn vị uống rượu bia để xảy ra tai nạn giao thông sẽ bị trừ điểm thi đua khen thưởng. Còn cán bộ công chức vi phạm giao thông thì ngay bản thân thủ trưởng cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”, đại diện tỉnh Hà Nam khẳng định.

Tại buổi họp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc đến vụ tai nạn khiến 7 học sinh bị sóng biển cuốn trôi ở huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). “Một sơ suất ở Cần Giờ thôi đã làm chết 7 em học sinh. Việc này do quản lý của chúng ta, trách nhiệm trước nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người, 62 người bị thương. So với năm 2012, cả số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn giao thông ở Cà Mau đều giảm. Có được kết quả đó, theo ông Tươi là sự cố gắng phấn đấu quyết liệt của các ngành, các cấp. Đặc biệt, tỉnh này giao và truy trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu.

Về vấn đề quản lý chặt công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc coi việc làm của UBND tỉnh Tây Ninh là bài học kinh nghiệm cho cả nước. “Nhân hội nghị tôi phát động luôn cả nước không uống rượu bia trong giờ làm việc và buổi trưa nữa. Làm được việc này vừa tiết kiệm, bảo đảm sức khỏe, vừa an toàn giao thông. Còn cứ uống rượu bia suốt sao làm được việc!”, Phó Thủ tướng nói.

Từ việc so sánh không có cuộc chiến tranh nào chết người nhiều như tai nạn giao thông những năm gần đây, Phó Thủ tướng đã đánh giá cao công tác quản lý vấn đề an toàn giao thông ở tỉnh Cả Mau khi đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc và quy trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu. “Việc làm đó là thể hiện trách nhiệm lớn, tình cảm lớn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ùn tắc, tai nạn giao thông. Vấn đề quan trọng nhất là tính mạng con người. Chúng ta không coi trọng tính mạng con người thì coi trọng cái gì nữa!”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

"Có vị chủ tịch tỉnh nghe thấy TNGT tăng là muốn từ chức"

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị Phó Thủ tướng xem xét cho tăng biên chế lực lượng cảnh sát giao thông vì hiện nay tuyến đường và mật độ phương tiện phương tiện nhiều hơn, do vậy công việc cũng tăng lên rất nhiều. Về vấn đề tài chính, Bộ trưởng Thăng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để động viên lực lượng Cảnh sát giao thông trực tiếp làm nhiệm vụ, cũng như động viên các tỉnh xử phạt nghiêm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, UBND tỉnh thành phố tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, UBND tỉnh thành phố tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông rất khổ cực nhưng tiền bồi dưỡng không đủ để ăn sáng. “Việc bồi dưỡng, tạo điều kiện cho anh em trực tiếp làm nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi mong rằng Bộ Tài chính hiểu và thiết kế tốt cho địa phương và lực lượng làm trực tiếp công tác này”, Phó Thủ tướng nói.

Tại phiên họp, ông Phúc cũng điểm mặt những tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế như tình trạng mất an toàn giao thông vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, như Gia Lai, Trà Vinh, Khánh Hòa, Lâm Đồng…

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng tôi nêu ra để các đồng chí có biện pháp mạnh mẽ hơn. Nhân đây, tôi cũng rất cảm động một số Chủ tịch tỉnh như Khánh Hòa khi nghe thấy tai nạn giao thông tăng muốn từ chức luôn. Nhưng nguyên nhân có cả lý do khách quan chứ không phải do chủ quan nên phải bình tĩnh xử lý”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích.

Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông nghe Phó Thủ tướng chỉ đạo vấn đề an toàn giao thông

Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông nghe Phó Thủ tướng chỉ đạo vấn đề an toàn giao thông

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Phó Thủ tướng do nhận thức chính quyền địa phương trong vấn đề an toàn giao thông còn chưa đầu đủ. Ngoài ra, công tác quản lý, kinh doanh vận tải ở nhiều nơi còn buông lỏng; tuần tra kiểm soát còn rất yếu, thậm chí còn có hiện tượng tiêu cực.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra kiểm soát giao thông tất cả các ngày trước và sau Tết. Bộ Giao thông vận tải phải đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân và vận chuyện hàng hóa. Không để hành khách về ăn Tết chậm do thiếu phương tiện và phải kiên quyết xử lý tăng giá vé trái quy định…

Từ ngày 16/12/2012 tới ngày 15/12/2013 xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với năm 2012 giảm 1.610 vụ, giảm 55 người chết, giảm 3.045 người bị thương. Có 37 địa phương giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số bị thương; trong đó có 3 tỉnh giảm cả 3 tiêu chí trên 20% là Đồng Nai, Quảng Nam, Tây Ninh.

Tuy nhiên năm 2013 có tới 19 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó có 7 tỉnh có số người chết tăng: Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… Năm 2013 là năm thứ hai số người chết vì tai nạn giao thông tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người.

Quang Phong