1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng ủng hộ Hà Nội, TPHCM “tự quyết” mức phạt giao thông

(Dân trí) - Tai nạn, ùn tắc giao thông đang thực sự trở thành hiểm họa của quốc gia khi mỗi ngày vẫn có hơn 30 người chết, số vụ ùn tắc giao thông năm 2009 cũng gia tăng chóng mặt so với năm 2008.

Tai nạn, ùn tắc: hiểm họa quốc gia

Mở đầu Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc tổ chức sáng 12/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận nhưng còn rất... mong manh.

Năm 2009, cả nước xảy ra gần 12.500 vụ tai nạn, làm chết hơn 11.500 người, bị thương hơn 7.900 người (so với năm 2008 giảm 390 vụ, giảm 78 người chết, 152 người bị thương); trong đó tai nạn giao thông đường bộ đã chiếm hơn 11.700 vụ.

Tuy vậy, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại gia tăng chóng mặt cả 3 tiêu chí với 141 vụ, làm chết gần 440 người (tăng 11 vụ, tăng 45 người chết so với năm 2008). Trong đó, có 30 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, làm chết 121 người, bị thương 288 người, nguyên nhân chủ yếu do đi không đúng phần đường chiếm 40%.

Khoảng 80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách là xe tư nhân, xe của các Hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải nhỏ không có thương hiệu. Một số vụ tai nạn điển hình gần đây nhất do xe khách gây ra làm chết mỗi vụ từ 8 đến 10 người, bị thương hàng chục người xảy ra tại Đoan Hùng (Phú Thọ), Lạng Sơn, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Châu Thành (Sóc Trăng).

Trong khi đó, so với năm 2008, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí: số vụ (468 vụ), số người chết (226 người) và người bị thương (324 người). Những con số khô khan nhưng để lại dư chấn xót xa. Số người chết, bị thương đã lên tầm một đại dịch.

Năm 2009 ghi nhận có 33 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên vẫn có 31 tỉnh, thành phố tăng số người chết, trong đó có 7 địa phương tăng số người chết trên 25% như Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa.

Trong năm qua cũng ghi nhận diễn biến gia tăng kinh hoàng của tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Thống kê cho thấy trên cả nước xảy ra 252 vụ kéo dài hơn 1 giờ, so với năm 2008 tăng 11 vụ (78,7%), trong đó Hà Nội đứng đầu bảng với hơn 100 vụ, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh 78, Quảng Ninh 28 vụ, Thanh Hóa 11 vụ, Đồng Nai 13 vụ...

Theo đuổi kiến nghị tăng mức phạt

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ CHí Minh than: “TP Hồ Chí Minh không dám báo cáo về những mặt tích cực liên quan đến ùn tắc và tai nạn giao thông bởi kết quả thu được là không như mong muốn. Tăng trưởng càng nhanh thì cơ sở hạ tàng càng thể hiện sự thấp kém. Ùn tắc giao thông thời gian qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ngăn cản sự lưu thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp, kéo chậm tốc độ phát triển của TP”.

Tại thành phố này, số vụ tai nạn, số người chết chỉ giảm nhẹ còn số vụ ùn tắc thì tăng đột biến với 74 vụ ùn tắc trên 30 phút, còn số vụ ùn tắc trên 60 phút là 18 vụ. Vị Phó Chủ tịch thành phố lớn nhất nước chỉ rõ nguyên nhân: trước kia Pháp quy hoạch Sài Gòn là thành phố cho 2 triệu dân, nhưng nay đã lên tới 9 triệu dân với số lượng xe cơ giới là 5 triệu. Mỗi ngày thành phố này có khoảng 100 xe ô tô, 1.000 xe gắn máy được đăng ký mới. Trong khi đó thành phố chưa có đường vành đai 3, chưa có trung tâm điều hành giao thông. Ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp trong khi lực lượng CSGT của thành phố cũng chỉ vẻn vẹn 600 người.

Vì vậy, bên cạnh những giải pháp dài hơi mà thành phố đã bắt đầu làm như quy hoạch giao thông kết nối với các trọng điểm, di dời trường học, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, ông Tài cho biết, trước mắt thành phố sẽ siết chặt vấn đề nhập cư, đề xuất tăng số lượng cảnh sát.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định thành phố tiếp tục theo đuổi kiến nghị được tăng mức xử phạt vi phạm giao thông: “Nếu Chính phủ thấy không thể tăng mức xử phạt trên cả nước thì cũng nên để cho các thành phố lớn được tăng”, ông Tài nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh một trong những giải pháp mang tính tiên quyết là tăng mức xử phạt vi phạm. Ông Khôi cũng cho biết TP Hà Nội đã báo cáo Chính phủ về vấn đề tăng mức xử phạt vi phạm, tăng phí đăng ký trước bạ, phí đăng kiểm, đồng thời tha thiết đề các bộ ngành liên quan cân đối nhập khẩu phương tiện để Hà Nội có lộ trình hạn chế xe cá nhân.

Đẩy mạnh xử phạt nguội

Tiếp thu những kiến nghị của các địa phương, nhất là của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu để ban hành nghị định xử phạt hành chính về vi phạm giao thông theo hướng mức phạt nặng hơn và giao quyền cho các địa phương quyết định mức xử phạt.

Ngay tại diễn đàn Hội nghị, Phó Thủ tướng đã lưu ý Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cần quan tâm tới kiến nghị tăng số lượng CSGT của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, cùng với đó là việc đẩy mạnh hình thức xử phạt nguội (xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh).

“Có ý kiến nêu khó khăn trong việc xử phạt nguội là khó xác định chủ sở hữu đích thực. Về việc này, Bộ Công an đang hoàn chỉnh bộ số liệu các loại phương tiện giao thông, việc xử phạt bằng hình ảnh sẽ không còn phức tạp. Tuy nhiên, phải có hình thức khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi bên ngoài vào đầu tư thiết bị máy móc, camera để phạt nguội”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Tắc đường là do tỷ lệ đất dành cho giao thông quá ít; các địa phương phải rà soát lại tỷ lệ này. đất dành cho giao thông có được như vậy không. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đầu tư về giao thông phải được xem là dự án cấp bách và được áp dụng các thủ tục đặc thù; làm sớm 1 ngày có thể cứu được mấy mạng người.

“Chúng ta đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp. Trong đó, giảm tai nạn giao thông cũng phải là một tiêu chí. Một nước công nghiệp phải có số người chết vì tai nạn giao thông ít. Ngược lại, số người chết vì TNGT cao thì đó là nước lạc hậu”, Phó Thủ tướng kết luận.

Phúc Hưng