Phó Thủ tướng: Tín dụng chính sách giúp con em nhiều gia đình được đi học!
(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tín dụng học sinh sinh viên là 1 trong 9 chương trình trọng tâm của mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhờ tín dụng chính sách, con em nhiều gia đình được đi học. Gần 200.000 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn học tập.
Sáng 23/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia - chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết, từ năm 2016 - 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt hơn 221.000 tỷ đồng, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...
Tham gia ý kiến trực tuyến từ Nghệ An, bà Hà Thị Long - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông - bày tỏ: Làng Xiềng là bản đặc biệt khó khăn, vùng biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Hiện nay, Bản có 176 hộ, 787 nhân khẩu, hộ nghèo và cận nghèo chiếm 50% số hộ, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Thái.
“Với tín dụng chính sách, vốn vay đã giúp hộ nghèo Vi Thị Chiến trong bản Làng Xiềng nuôi 2 sinh viên đi học nay các sinh viên đã có việc làm và thu nhập, hứa hẹn tương lai tươi sáng.” - bà Hà Thị Long cho biết.
Mặc dù tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, nhưng ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - cho biết, hoạt động của tín dụng chính sách xã hội thời gian qua vẫn còn những khó khăn, thách thức, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.
“Đối tượng thụ hưởng một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận.” - ông Thắng nói.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tín dụng học sinh sinh viên là 1 trong 9 chương trình trọng tâm của mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhờ tín dụng chính sách, con em nhiều gia đình được đi học.
Theo Phó Thủ tướng, trong các chương trình trọng tâm này, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.
“Giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì của chương trình tín dụng này, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tín dụng đen, ngăn chặn tín dụng đen, tạo điều kiện cho địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, gắn với các đề án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Châu Như Quỳnh