1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó Thủ tướng: “Nếu phương tiện công cộng tốt, người dân sẽ tự bỏ xe máy”

(Dân trí) - “Lộ trình giảm dần xe máy là ý tưởng rất tốt, tuy nhiên phải chú ý tới sinh kế của người lao động, đảm bảo đời sống của người dân. Nếu tổ chức phương tiện công cộng tốt thì người dân sẽ tự bỏ xe máy” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Chiều 4/7, Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) quý 2/2017 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, diễn ra tại trụ sở Chính phủ.

Phải chú ý tới sinh kế của người dân!

Đề cập về Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có mục tiêu dừng xe máy vào năm 2030, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết: Đề án có 6 nhóm giải pháp, mục tiêu của Đề án là nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Hùng thông tin, sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án này. Theo đó, những người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ hoạt động trên địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo Đề án mà TP Hà Nội đã lập ra, đồng thời ông Hùng nhấn mạnh lộ trình tới năm 2030 sẽ dừng sử dụng xe máy.

Khi có phương tiện công cộng tốt, người dân xe tự bỏ xe máy?
Khi có phương tiện công cộng tốt, người dân xe tự bỏ xe máy?

Sau khi nghe báo cáo của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, Hà Nội có xe buýt nhanh, mới đây đã thử nghiệm xe buýt 2 tầng và lộ trình giảm dần xe máy, đó là ý tưởng rất tốt.

“Nếu tổ chức phương tiện công cộng tốt thì tự người dân sẽ giảm xe máy, tuy nhiên phải chú ý tới sinh kế của người lao động, đảm bảo đời sống của người dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý tới các giải pháp và yêu cầu Hà Nội cần đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cá nhân.

“Trong Đề án này cần chú trọng các giải pháp theo nguyên tắc kinh tế thị trường, xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo” - Phó Thủ tướng nói.

Đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ

Với TPHCM, vấn đề mà lãnh đạo thành phố này tỏ ra lo ngại nhất hiện nay là nạn đua xe trái phép tăng mạnh, các “quái xe” đua xe trái phép đều đang ở độ tuổi thanh-thiếu niên.

Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, hiện tượng đua xe trái phép diễn ra khá thường xuyên ở THHCM. Trong 6 tháng qua có 22 vụ đua xe trái phép, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2016. Lực lượng chức năng đã lập biên bản 52 trường hợp, tạm giữ 44 phương tiên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tình trạng này.

Hội nghị sơ kết ATGT chiều 4/7
Hội nghị sơ kết ATGT chiều 4/7

Về phía Bộ Công an, Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an - quan tâm tới con số 9.593 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong 6 tháng đầu năm, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. So với cùng kỳ năm 2016 TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng với 4.134 người chết vì TNGT thì “quả là vấn đề rất đáng lo ngại”.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu tâm tới vấn đề thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, khi mà số vụ những người lái xe tải, xe container, xe khách tiếp tục gia tăng các hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến này, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – đã đứng lên nhận trách nhiệm trước Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Ủy ban ATGT Quốc gia vì Cần Thơ lọt “top” 22 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT tăng cao trong 6 tháng qua.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm