Phó Thủ tướng kết luận 24 vụ khiếu nại kéo dài tại Đà Nẵng

(Dân trí) - Sáng 30/10, tại buổi họp báo của UBND TP Đà Nẵng, ông Võ Văn Thương - Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 24 vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo đó, có 8 vụ việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất giữ nguyên kết quả giải quyết của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng ban hành thông báo chấm dứt việc thụ lý, xem xét, giải quyết khiếu nại đối với các hộ này.

Có 13 vụ việc Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất với kết quả giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhưng có chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng xem xét, điều kiện, hoàn cảnh của từng trường hợp và có chính sách hỗ trợ thích hợp để công dân chấm dứt khiếu kiện.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Ngoài ra, có 3 vụ việc Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng giải quyết lại vì có tình tiết mới phát sinh.

Ông Thương cũng cho biết, UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất phương án hỗ trợ cho từng trường hợp, ban hành thông báo chấm dứt xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc xã hội hóa hay không chợ Cồn và chợ Hàn? Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư hai chợ thành hai trung tâm thương mại hiện đại.

Ông Thơ cho biết, nội dung kêu gọi đầu tư chợ Cồn, chợ Hàn đã được Hội đồng nhân dân thông qua năm 2013. Vừa qua, dư luận có ý kiến nên giữa lại hai chợ truyền thống này. Tuy nhiên, hiện tại Đà Nẵng, khu vực trung tâm dân số ngày càng đông, hạ tầng ngày càng phát triển nhưng chưa có một chợ nào đàng hoàng. Vì thế cần phải phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm thương mại dịch vụ.

“Du khách đến Đà Nẵng chỉ ăn hải sản, tắm biển và ngủ chứ không biết mua sắm ở đâu”, ông Thơ nói.

Cũng theo ông Thơ, trong việc phát triển xây dựng thành trung tâm thương mại nhưng vẫn bảo tồn các mặt hàng truyền thống. Ví dụ có một số tầng dưới vẫn giữ để buôn bán các mặt hàng truyền thống, còn các tầng trên sẽ kinh doanh các mặt hàng khác. Bây giờ tâm lý của người buôn bán là giữ lại cái cũ. Tuy nhiên, chắc chắn thành phố sẽ có những phương án thỏa đáng để các tiểu thương tiếp tục ở lại trong điều kiện tốt hơn.

Đối với những hộ dân ở khu vực chợ Cồn đang sống trong cảnh chật chội, nhếch nhác,… do vướng dự án treo, ông Thơ cho biết, Đà Nẵng cũng đã nghiên cứu để đưa ra phương án giải tỏa các hộ dân ở đây. Tuy nhiên việc giải tỏa là rất khó vì hiện ở trung tâm thành phố không còn đất, bố trí những nơi xa trung tâm thì người dân sẽ không chịu vì còn liên quan đến công việc làm ăn của họ.

“Trong tuần hay hoặc tuần tới, có khả năng lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với chính quyền ở đó, gặp gỡ, trao đổi với người dân và nghiên cứu để nâng cao đời sống cho bà con. Việc giải tỏa các hộ dân ở trung tâm thành phố là rất khó nhưng không có nghĩa là không làm. Tuy nhiên, cần phải có thời gian và kinh phí, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ thay đổi để người dân có cuộc sống tốt hơn”, ông Thơ nói.

Khánh Hồng