Phó Thủ tướng: Đổi mới tư duy "thúc" giảm nghèo
(Dân trí) - Sau 23 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, TPHCM còn 17.389 hộ nghèo, chiếm 0,89% tổng số hộ dân thành phố. Chuẩn hộ nghèo của thành phố cao hơn 2,7 lần so với chuẩn hộ nghèo quốc gia. GDP đầu người cuối năm 2015 ước đạt 5.538 USD/người.
Ngày 26/9, TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014-2015 và đánh giá 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập (1992 - 2015).
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi đầu chương trình xóa đói giảm nghèo vào đầu năm 1992 (nay là Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá). Qua 23 năm thực hiện, chương trình đã trải qua 4 giai đoạn (1992 – 2003, 2004 – 2008, 2009 – 2013, 2014 – 2015), với 7 lần điều chỉnh nâng mức hộ nghèo (theo tiêu chí bình quân thu nhập đầu người) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo đó, hộ nghèo thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu/năm trở xuống; hộ cận nghèo có mức thu nhập từ 16 – 21 triệu đồng/năm. Chuẩn hộ nghèo, cận nghèo của thành phố thống nhất giữa ngoại thành với nội thành, bình quân cao hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 là 2,7 lần. Tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế, tương đương 2 USD/người/ngày.
Tính đến 31/8/2015, số hộ nghèo của thành phố còn 17.389 hộ, chiếm tỷ lệ 0,89% tổng hộ dân thành phố; số hộ cận nghèo còn 46.971 hộ, chiếm tỷ lệ 2,39% tổng hộ dân thành phố.
Trong 23 năm qua, Chương trình giảm nghèo của thành phố đã huy động được hơn 7.100 tỷ đồng, trong đó có gần 3.400 tỷ đồng là từ nguồn vận động của dân, cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, cùng nhiều chương trình xã hội từ thiện huy động công sức hoặc hiện vật ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo,…
Kết quả cụ thể, hơn 33.000 lao động được miễn giảm học phí đào tạo nghề; 13.000 lao động nghèo được nhận việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Gần 954.000 lượt học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp với tiền bình quân 665.000 đồng/lượt. Hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ thành phố đến phường - xã với hơn 360 người. TPHCM cũng là địa phương duy nhất có mô hình đặc thù là tổ tự quản giảm nghèo, với hơn 3.500 tổ.
Ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết trong nhiều năm qua kinh tế thành phố luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước; đóng góp nguồn thu ngân sách quốc gia ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Vị trí về kinh tế của thành phố ngày càng khẳng định, đến nay đã chiếm 21% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước. Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện rõ rệt. GDP đầu người cuối năm 2015 dự ước đạt 5.538 USD/người, gấp 12,4 lần so với năm 1985.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Sự thành công của chương trình giảm nghèo thể hiện rõ nét nhất là góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư thành phố, kéo giảm từ hơn 10 lần năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014; kéo giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần vào năm 2010; không còn chênh lệch giữa nhóm hộ nghèo, cận nghèo giữa ngoại thành và nội thành. Đặc biệt có 12 quận hoàn thành tiêu chí không còn hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố hiện nay. TPHCM phấn đấu cuối năm 2020, nâng tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo gấp 3,5 lần so với năm 2011.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, đánh giá cao và biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao cùng những kết quả giảm nghèo thành phố đã đạt được trong suốt 23 năm qua.
Để tiếp tục cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, trên cơ sở kết quả, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, thành phố cần tiếp tục được kế thừa và phát huy trong giai đoạn tới; sớm khắc phục những tồn tại hạn chế. Đồng thời, kiến nghị với Trung ương những cơ chế, chính sách, giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng trên cả nước.
Vận dụng sáng tạo các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ phê duyệt tại Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều, áp dụng trong giai đoạn 2016 – 2020 cho phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các chiều nghèo, chỉ số thiếu hụt, nâng chuẩn nghèo của thành phố cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.
Phó Thủ tướng đề nghị: “TPHCM cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, biện pháp giảm nghèo đa chiều. Tăng cường phối hợp, gắn kết chính sách giảm nghèo với chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp xây dựng nông thôn mới và các chính sách phát triển kinh tế xã hội khác nhằm đạt hiệu quả giảm nghèo cao nhất”.
Quốc Anh