1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: “Đi Tây về trong đầu không có gì thì tốt nhất đừng đi!”

(Dân trí) - “Các vị đi nước ngoài thấy họ làm như thế nào thì mình học theo. Tôi không hiểu nổi sao những việc đơn giản đó mà ngành văn hóa du lịch cũng không làm nổi…” - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trong cuộc họp cho ý kiến về việc xây dựng Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại trụ sở Chính phủ chiều 14/9.

Bảo tàng lịch sử cũng dịch sai trích dẫn?

Góp ý về Đề án, ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - thẳng thắn nêu ra những gì mắt thấy tai nghe trong thực tế về hoạt động du lịch bảo tàng. Ông nói, việc dịch tiếng Anh trong bảo tàng "không chấp nhận được", rất lộn xộn và không đảm bảo chất lượng, có thể gây hiểu nhầm.

Ông Minh dẫn chứng về điều đã tận mắt đọc được trong bảo tàng lịch sử, trích dẫn những điều về Mã Viện (nhân vật lịch sử của Trung Quốc) với lời ca ngợi Mã Viện như sau: "Mã Viện là người thích cưỡi ngựa, giỏi phân biệt được những ngựa tốt. Khi ở Giao Chỉ, Viện được trống đồng của người Lạc Việt, bèn đúc làm ngựa".

"Điều này không đúng sự thật. Bản chất lịch sử Mã Viện là một kẻ xâm lược, ăn cắp trống đồng của Việt Nam rồi đúc ra thành những sản phẩm để ông ta vui chơi. Toàn bộ những chú thích đó Tây họ không hiểu gì cả" - ông Minh nhấn mạnh.


Di tích Giếng Ngọc trong thành Cổ Loa mất đi giá trị lịch sử và văn hóa khi trở thành nơi giặt giũ của người dân địa phương.

Di tích Giếng Ngọc trong thành Cổ Loa mất đi giá trị lịch sử và văn hóa khi trở thành nơi giặt giũ của người dân địa phương.

Ông Minh nói thêm, tình trạng này tồn tại cả ở bảo tàng chiến tranh tại TPHCM và bảo tàng ở Phú Quốc. Sản phẩm trưng bày lộn xộn, dịch tiếng Anh rất tệ. Toàn bộ hệ thống đó nếu như không đầu tư và khai thác bài bản thì rất phí. Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội được coi là nơi tốt nhất của Việt Nam, nhưng rất tiếc là từ cách trình bày đến sử dụng hình ảnh, những hướng dẫn đều chưa tốt.

Những di sản đang “sống” trong đời thực ngay tại Hà Nội như thành Cổ Loa cũng là một ví dụ điển hình. “Tôi đến thành Cổ Loa mà thấy đã xuống cấp tàn tạ, không có bảng chỉ dẫn, không biết giếng ngọc ở chỗ nào…” - ông Minh cho biết.

Sau khi nghe Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, phần dịch tiếng Anh bây giờ rất đơn giản, toàn hệ thống dịch tự động hết, cứ thế mà vận dụng chứ không có gì phức tạp mà phải để tình trạng lộn xộn như vậy.

Phó Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo Bộ VH-TT&DL: "Các vị đi nước ngoài rồi, chỉ cần thấy họ làm như thế nào thì mình học theo, có thế thôi chứ chẳng cần phải làm gì ghê gớm cả! Tôi không hiểu nổi sao những việc đơn giản đó mà ngành văn hóa du lịch cũng không làm nổi…!".


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) cùng dự cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) cùng dự cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

“Chúng ta cũng đi Tây, đi Tàu hết cả rồi, đi năm lần bảy lượt rồi, quan trọng là ta tiếp thu được gì, chứ đi về lại không có gì trong đầu thì tốt nhất đừng đi…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hạn chế, yếu kém do chủ quan

Theo ông Vương Đình Huệ, đơn giản nhất như cái vé tham quan cũng phải cho ra vé, chứ không phải thu mấy chục đồng như bây giờ rồi phục vụ, dịch vụ rất kém. Vấn đề tài chính, các chính sách về đầu tư, thuế, giá,... không thay đổi được gì.

“Ở nước ngoài vé 20 USD mà xếp hàng mỏi mắt mới mua được để vào bảo tàng, thế mới gọi là làm kinh tế chứ” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ so sánh.

Du lịch có trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hay không phụ thuộc vào tư duy và nhận thức của ngành VH-TT&DL
Du lịch có trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hay không phụ thuộc vào tư duy và nhận thức của ngành VH-TT&DL

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, trong Đề án này, Bộ VH-TT&DL phải nói rõ nguyên nhân dẫn tới ngành yếu kém, tồn tại như thế nào phải nói thẳng thắn ra. Lâu nay, ngành vẫn coi du lịch là ngành vui chơi giải trí chứ chưa phải là ngành kinh tế.

“Phải nêu rõ nguyên nhân và chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, vì tiềm năng có thừa nhưng không phát triển được là do chủ quan. Hạn chế, yếu kém là do nhận thức của bản thân ngành du lịch và các cấp, các ngành liên quan” - Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Chỉ 10% hướng dẫn viên có ngoại ngữ (!)

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Đọc Đề án mà tôi rất sốt ruột!". Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án phải đặt ra kế hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Việt Nam, kể cả nguồn nhân lực quản lý du lịch từ cấp cao đến cấp thấp “đều thiếu và yếu”.

“Nghe báo cáo sơ bộ thì chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp hoàn thành xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng xong mà chưa thể khánh thành ngay được vì chưa tuyển đủ nhân lực vận hành” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra thông tin tại cuộc họp: Chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra thông tin tại cuộc họp: "Chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ"

Ông Vũ Đức Đam đặt ra yêu cầu khi Đề án được hoàn thiện và thực hiện thì phải giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay của du lịch: Đó là tạo thuận lợi hơn khi cấp visa, tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch như đất đai, thuế, giá điện, giá nước; nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa- du lịch; xóa bỏ được 7 nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam (Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường).

Cùng đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng phải xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo động lực phát triển.

Kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều khẳng định: Đây là Đề án “có một không hai” của ngành VH-TT&DL, Bộ chủ quản cần xác định kế hoạch phát triển ngành du lịch dài hơi hơn thay vì chỉ tính toán tới năm 2020 và nhấn mạnh việc Bộ Chính trị sẽ thảo luận và xem xét thông qua Đề án, để vực dậy ngành du lịch mà nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Châu Như Quỳnh